Sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê

NDO - Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê, ngày 5/6, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ và Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão (Chi cục Thủy lợi); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý đê điều, phòng chống thiên tai năm 2023; trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát huy những sáng kiến kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có vai trò rất quan trọng; là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những hành vi vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra canh gác phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.

Qua thực tế công tác, ở nơi nào, đồng chí Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nề nếp thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiệt hại được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III tới cấp đặc biệt được tổ chức theo định kỳ hàng năm với mong muốn cung cấp, cập nhật cho các đồng chí những văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như công việc cần triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các ý kiến tham luận của các địa phương về bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, chia sẻ những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ và giải quyết để giữ vững an toàn hệ thống đê điều trước diễn biến lũ bão ngày càng cực đoan, khốc liệt, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước trước thiên tai.

Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm; bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chuẩn bị, ứng phó, chỉ đạo huy động vật tư, nhân lực hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thông tin về tình hình thời tiết bất thường, cực đoan trong thời gian gần đây. Năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó có chín cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 501 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 247 trận động đất làm 175 người chết và mất tích; ước thiệt hại kinh tế 19.500 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2023, thiên tai bất thường cũng xảy ra ở nhiều nơi, đã xảy ra ba trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, hai đợt rét hại... Thiên tai đã làm bảy người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Dự báo trong năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường, do đó để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần phải hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê; không được lơ là, chủ quan, lấy phòng ngừa là chính và hơn chống. Đồng thời, công tác chỉ huy điều hành xử lý phải quyết đoán, quyết liệt, khẩn trương kịp thời ngay từ giờ đầu; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến cơ sở; huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện... để xử lý ngay các sự cố xảy ra.