75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt
Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" - văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có những văn bản quy định chưa phù hợp thực tế, hoàn cảnh; nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ; quá trình giải quyết khó khăn và phức tạp hơn nên hiện còn nhiều hồ sơ tồn đọng. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn còn đó như những vết thương chưa thể lành. Những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc chưa được đền đáp xứng đáng, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống...
Hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết
Phóng viên: Thưa ông, 75 năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Xin ông cho biết cụ thể những kết quả này trong thời gian qua?
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội): Công tác xác nhận, công nhận người có công là một điểm nhấn quan trọng lĩnh vực thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chính sách đối với người có công theo nội dung phân cấp; tổ chức các đoàn công tác để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các địa phương. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Giải quyết hồ sơ tồn đọng, giải quyết chế độ cho các trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công. Trong đó, có gần 9.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; khoảng 16.500 người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945; hơn 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; hơn 139 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; gần 600 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185 nghìn bệnh binh; gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong giai đoạn từ 2016-2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 4.200 liệt sĩ, cấp đổi lại gần 100.000 bằng Tổ quốc ghi công.
Thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót trên cơ sở các quy định của pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 7/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP.
Văn bản đặt mục tiêu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng,
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 408, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương đã xem xét và giải quyết cơ bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công của các địa phương.
Cụ thể, đã xem xét giải quyết hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý, đến nay, không có đơn thư khiếu nại.
Phóng viên: Vâng, quả thực những kết quả đã đạt được trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tri ân người có công mà chúng ta đã làm được trong những năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện còn nhiều trường hợp sự hy sinh, cống hiến là có thật, nhưng do không thể có đầy đủ giấy tờ hồ sơ gốc theo như các quy định, nên cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, Vậy theo ông, cơ quan chức năng nên có một chính sách mở, một quy định đặc thù nào đó phù hợp thực tế hơn để giải quyết không?
Ảnh: Duy Linh. |
Ông Đào Ngọc Lợi: Xin chia sẻ rằng, trong thực tế, các trường hợp hồ sơ tồn đọng gửi tới Cục Người có công chủ yếu là các hồ sơ đã được lập tương đối đầy đủ, chỉ thiếu chứng cứ, nên các chuyên viên của Cục phải về tận địa bàn để xác minh, tìm hiểu.
Trong nhiều năm, với vai trò chuyên môn, tham mưu về chính sách, Cục Người có công đã hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, xác nhận người có công. Trách nhiệm của đơn vị là chỉ trao đổi định hướng, còn các địa phương cần thực hiện theo quy định của pháp luật trong lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng như thân nhân của họ.
Đến nay, các hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết một cách căn bản. Với số hồ sơ còn tồn đọng, chúng tôi đã có văn bản trao đổi với các địa phương và yêu cầu nhanh chóng bổ sung hoàn thiện để có thể giải quyết tiếp.
Hiện nay, hành lang pháp luật chính nhằm giải quyết các hồ sơ tồn đọng áp dụng theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.
Những người thực sự có cống hiến, hy sinh cho đất nước phải được xem xét, xác nhận
Phóng viên: Ông có thể cho biết những khó khăn của những người làm chính sách trong công tác xác nhận hồ sơ công nhận người có công?
Ông Đào Ngọc Lợi: Trong thực tế, điều khó khăn nhất với những người làm thẩm định hồ sơ như chúng tôi chính là việc đi tìm chứng cứ. Thí dụ, có trường hợp, người làm chứng cho người hy sinh thực ra không chiến đấu cùng đơn vị. Có trường hợp khai chết ở trong nhà tù, chúng tôi phải tới tận nơi xác minh. Có trường hợp mất tin, mất tích, chúng tôi phải xem xét kỹ hồ sơ lưu trữ bên cơ quan Công an. Công việc này, nhiều khi giống như “mò kim dưới đáy bể” vậy.
Đến nay, vẫn còn những đối tượng tồn đọng sau chiến tranh. Thí dụ như có những người bị thương, bị chết mà không còn giấy tờ nào để chứng minh. Trong khi đó, việc xác nhận, thẩm định hồ sơ thương binh, liệt sĩ thời bình đặt ra chặt chẽ hơn. Theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách mở rộng đối tượng hơn nhưng quy định cũng được chuẩn hóa hơn. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, những người thực sự có cống hiến, hy sinh cho đất nước phải được xem xét, xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Phóng viên: Công việc thẩm định hồ sơ, đồng hành cùng chính quyền địa phương và thân nhân của liệt sĩ, các gia đình thương bệnh binh trong việc giải quyết chế độ là một hành trình dài nhiều trăn trở của đội ngũ làm chính sách. Vậy ông có thể chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ?
Ông Đào Ngọc Lợi: Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động.
Cụ thể, có trường hợp cụ Phạm Khánh mất hơn 91 năm mới được công nhận là liệt sĩ. Cụ Khánh sinh năm 1869, nguyên quán tại tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cụ tham gia lực lượng Tự vệ đỏ năm 1930. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy, cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội vào ngày 26/9/1931. Do kiên quyết không khai báo, cụ bị tra tấn đến chết tại nhà lao ngày 27/9/1931. Từ thời điểm đó đến nay đã hơn 91 năm.
Tháng 11/1931, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đưa vụ án cụ Phạm Khánh và những người cùng hoạt động ra xét xử. Cụ bị kết án tử hình (Bản án số 193 ngày 19/11/1931 của Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An và Quyết định ngày 26/3/1932 của Khâm sứ Trung Kỳ có lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an, bản tiếng Pháp).
Hay như cụ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, nguyên quán tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, tham gia cách mạng từ tháng 1/1945. Vào ngày 10/1/1946 (âm lịch), tại ngã tư Giồng Luông, một tiểu đội cảm tử quân Đại Điền do đồng chí Đinh Văn Gấm làm Tiểu đội trưởng chỉ huy đã dùng vũ khí thô sơ chặn đánh xe thiết giáp của địch một cách quyết liệt. Trước sự tấn công ào ạt của giặc, tiểu đội có nguy cơ bị diệt, đồng chí Đinh Công Gấm dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình địch để yểm trợ cho đồng đội rút lui, nhưng do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, cả tiểu đội đều anh dũng hy sinh. Sau hơn 76 năm ngã xuống, cụ Gấm mới được Nhà nước vinh danh.
Đó là những trường hợp thật cảm động bởi sau nhiều thập kỷ, tấm bằng Tổ quốc ghi công của Nhà nước mới được trao tới các gia đình của những liệt sĩ này. Dù muộn màng, nhưng cũng thể hiện lòng tri ân với những hy sinh xương máu của các cụ cho nền độc lập, tự do của đất nước.
Thúc đẩy công tác số hóa hồ sơ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch
Phóng viên: Được biết, để quản lý hồ sơ người có công, năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng Đề án số hóa hồ sơ người có công. Hiện nay công tác này đã được triển khai hiệu quả hay chưa?
Ông Đào Ngọc Lợi: Nhằm kết nối giữa Chính phủ và người dân trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh chăm lo đời sống người có công với cách mạng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực người có công. Năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng Đề án số hóa hồ sơ người có công.
Công tác số hóa hồ sơ người có công là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng, giúp việc sắp xếp, lưu trữ văn bản, tài liệu một cách khoa học, khai thác thông tin nhanh chóng, chính xác. Từ đó, tránh được tình trạng mất mát, thất lạc, đồng thời tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí trong việc bảo quản tài liệu hồ sơ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, giải quyết chính sách ưu đãi cho người có công, đồng thời, thích ứng với thời đại công nghệ số.
Hiện nay, tại cấp Trung ương, dự án cơ sở dữ liệu về người có công, đang được triển khai, tiến tới tích hợp cơ sở dữ liệu mình đang có phục vụ công tác quản lý, phục vụ xác định danh tính liệt sĩ.
Các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác triển khai số hóa và đã đạt được khoảng 50% tiến độ. Tuy nhiên, việc số hóa này mới chủ yếu cập nhật đầy đủ với các đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Phóng viên: Trở lại những trường hợp tồn đọng nhiều năm với nhiều day dứt, trăn trở, ông có cho rằng văn bản, quy định hiện nay còn có những vấn đề gì bất cập cần phải thay đổi cho phù hợp thực tế, hoặc với những trường hợp đặc biệt có điều kiện, hoàn cảnh riêng thì nên có một quy định đặc thù hay không? Liệu đã cần thiết tham mưu cho các cơ quan có trách nhiệm sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách người có công phù hợp với thực tế cuộc sống, hoặc cần có những cách giải quyết linh hoạt hơn, để tránh tình trạng “máy móc” trong công tác giải quyết các hồ sơ tồn đọng và bảo đảm đúng người, đúng đối tượng?
Ông Đào Ngọc Lợi: Theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, chúng tôi có một tổ giúp việc cho Bộ trưởng để giải quyết các hồ sơ này từ cấp Trung ương đến địa phương. Cấp xã, phường tổ chức họp thẩm định hồ sơ rồi đến hội đồng cấp quận, huyện họp thẩm định. Mỗi ban chỉ đạo họp xong sẽ phải có trách nhiệm thông tin công khai tới người dân qua nhiều hình thức. Thí dụ như, ở xã thì dán thông tin lên bảng tin. Lên tới cấp tỉnh, Trung ương, cần phải đăng thông tin thẩm định trên phương tiện thông tin đại chúng. Với các trường hợp khó khăn, vướng mắc, chúng tôi cử lãnh đạo Cục và chuyên viên về trực tiếp địa phương giải quyết.
Các văn bản, quy phạm pháp luật về quy trình, thủ tục xác nhận người có công có thể chưa lường hết được khó khăn của thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, có nhiều tình huống phát sinh, nên chính sách thường xuyên phải có sự bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!