75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt
Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" - văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có những văn bản quy định chưa phù hợp thực tế, hoàn cảnh; nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ; quá trình giải quyết khó khăn và phức tạp hơn nên hiện còn nhiều hồ sơ tồn đọng. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn còn đó như những vết thương chưa thể lành. Những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc chưa được đền đáp xứng đáng, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống...
“Liệt sĩ xã” và cách tri ân đặc biệt của tỉnh Quảng Bình
Trường hợp của cụ Đỗ Bá Tiềm (sinh năm 1929, nguyên quán Trường Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình là bộ đội kháng chiến chống Pháp, hy sinh tháng 7/1954) bị thu hồi bằng Tổ quốc ghi công vào năm 2012 do không có hồ sơ lưu trữ và thân nhân không thuộc đối tượng nhận quà của Chủ tịch nước vào dịp lễ, tết là một điển hình trong số 400 “liệt sĩ xã” tại tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Bình đã cố gắng hết sức tạo điều kiện lập hồ sơ xin suy tôn liệt sĩ cấp Nhà nước cho các trường hợp này, nhưng cũng gặp rất nhiều vướng mắc.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, từ năm 2018, tỉnh ghi nhận có khoảng 400 trường hợp tham gia kháng chiến đã hy sinh nhưng chưa được suy tôn liệt sĩ vì không còn thân nhân kê khai lập hồ sơ, do giấy tờ thất lạc và nhiều lý do khác nhau.
Ông Đỗ Bá Toan chia sẻ về hành trình đi tìm phần mộ cho cụ Đỗ Bá Tiềm. |
Trong đó, có hơn 200 trường hợp đã có mộ trong các nghĩa trang liệt sĩ hoặc có các căn cứ khác để lập hồ sơ và hiện đang hướng dẫn thực hiện hồ sơ suy tôn liệt sĩ theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng.
Các trường hợp còn lại chưa đủ căn cứ lập hồ sơ suy tôn liệt sĩ theo quy định hiện hành nhưng đã được chính quyền địa phương cấp xã suy tôn khắc tên trong các nhà bia ghi tên liệt sĩ hoặc có tên trong danh sách theo dõi quản lý liệt sĩ ở xã.
Trong thực tế nhiều năm qua, các đối tượng này được nhân dân và chính quyền cấp xã mặc nhiên công nhận là liệt sĩ và trong các dịp lễ, tết, các địa phương đã chủ động thực hiện tặng quà cho thân nhân các đối tượng trên. Đồng thời, các địa phương và các ngành có liên quan đã tích cực tìm kiếm thông tin và căn cứ để lập hồ sơ những đến nay vẫn chưa thực hiện được việc xác lập hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho đối tượng này nên thân nhân không thuộc đối tượng nhận quà của Chủ tịch nước. Họ chỉ được suy tôn là “liệt sĩ xã”.
Địa bàn ghi nhận số trường hợp vướng mắc khi đề nghị suy tôn liệt sĩ nhiều nhất, lên tới 58 người là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong đó riêng xã Liên Thủy có 13 đối tượng. Những trường hợp này vốn được công nhận liệt sĩ nhiều năm, nhưng bị cắt hoàn toàn chính sách và bị thu hồi bằng Tổ quốc ghi công năm 2012 chỉ sau một lần rà soát.
Chúng tôi mang theo tâm tư này đến gặp cán bộ chính sách tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Văn Linh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho hay, năm 2012, sau khi rà soát lại danh sách liệt sĩ để làm nhà bia tưởng niệm, xã phát hiện có khoảng 13 liệt sĩ không hồ sơ lưu tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh.
“Theo quy định, toàn bộ 13 trường hợp này bị cắt chế độ liệt sĩ, không được khắc tên trong Bia tưởng niệm liệt sĩ của xã. Thân nhân các liệt sĩ vô cùng bức xúc”, ông Linh bày tỏ.
Nhà Bia tưởng niệm Liệt sĩ xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. |
Sau 10 năm làm thủ tục, hiện có 4 trường hợp là dân sự được tiếp tục công nhận là liệt sĩ, 2 tử sĩ và 7 hồ sơ liên quan đến quân sự vẫn dừng ở việc đề xuất.
Theo ông Phạm Văn Linh, các trường hợp này không thoả mãn 3 điều kiện theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP: Một là, danh sách có tính pháp lý được xác lập từ ngày 31/12/1994; Hai là, phần mộ có trong nghĩa trang có khắc tên liệt sĩ kể từ ngày 31/12/1994 trở về trước; Ba là những người này phải có tên trong Lịch sử Đảng bộ xã bản gốc được phát hành từ ngày 31/12/1994 trở về trước.
Ông Phạm Văn Linh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. |
Chiểu theo quy định này, 7 trường hợp còn lại rất khó xác định vì Lịch sử Đảng bộ xã Liên Thủy mới được phát hành lần một vào năm 2008. Với yêu cầu chặt chẽ bắt phải xác nhận có tên trong lịch sử Đảng bộ năm 1994 thì các trường hợp này đều không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, có liệt sĩ hy sinh có giấy báo tử nhưng không tìm được phần mộ. Trường hợp của cụ Đỗ Bá Tiềm là một minh chứng.
Đặc biệt, trong xã có trường hợp đồng chí Hoàng Xước (sinh năm 1921) và Hoàng Văn Xược (sinh năm 1920) thuộc đơn vị E95, F325 là hai anh em trong một nhà, đều là bộ đội chính quy, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cứu nước, nhưng do không thoả mãn 3 điều kiện trên nên đều không được suy tôn liệt sĩ.
Ông Linh bày tỏ nỗi bức xúc: “Trước đây, phải có căn cứ xác nhận, các trường hợp này mới được đưa phần mộ vào nghĩa trang và ghi danh trong bia tưởng niệm của xã. Khi đã có mộ chí trong nghĩa trang liệt sĩ và tri ân gần 60 năm qua, tại sao cơ quan chức năng lại yêu cầu thân nhân phải có hồ sơ đầy đủ nữa?”.
Hồ sơ xin chứng nhận liệt sĩ của cụ Đỗ Bá Tiềm được ông Toan lưu trữ suốt nhiều năm qua. |
11 năm qua, thân nhân của 7 trường hợp này rất nhiều nỗi niềm và xã đã nhiều lần giải thích, động viên. Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND xã cũng đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan phối hợp xã tháo gỡ khó khăn, công nhận lại liệt sĩ cho các trường hợp trên.
Xét về nguyên tắc, các “liệt sĩ xã” không có chế độ liên quan, song để tri ân các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, cũng như để an ủi thân nhân, mỗi dịp Tết đến Xuân về, huyện và xã vẫn trích kinh phí tương đương kinh phí của tỉnh và Chủ tịch nước để trao tặng quà cho thân nhân các “liệt sĩ xã”. Đây là một hoạt động thiết thực tri ân các chiến sĩ đã hy sinh, nhưng đó là việc không thể về lâu, về dài.
“Nhiều lần tiếp xúc cử tri bà con kiến nghị, tôi cũng trăn trở muốn làm thế nào đó công nhận liệt sĩ cho 7 trường hợp này. Ngày 29/7/2021, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy có Quyết định 8141 về việc tạm dừng báo cáo hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh, suy tôn liệt sĩ, chờ văn bản mới. Đến nay, chúng tôi chưa có hướng dẫn suy tôn liệt sĩ của 7 trường hợp này. Chúng tôi mong muốn có hướng dẫn sát hơn, quy định chính sách mở để các cụ được hưởng chế độ giống như liệt sĩ thực thụ, xứng đáng với hy sinh của họ cho đất nước”, ông Linh bày tỏ.
Chăm sóc thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh. |
Quy định cần quan tâm tới các trường hợp đặc biệt
Những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc như cụ Đỗ Bá Tiềm (Quảng Bình), cụ Phạm Công Lập (Quảng Trị) đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi day dứt của những người làm chính sách của địa phương. Sự thay đổi trong quy trình thẩm định hồ sơ liệt sĩ khiến cho các gia đình ấm ức và chờ đợi mòn mỏi hàng chục năm qua. Hành lang pháp lý chặt chẽ cần có, nhưng với những trường hợp đặc biệt, cần có một chính sách mở, một hướng giải quyết thỏa đáng, xứng đáng với sự hy sinh của họ.
Quay lại câu chuyện của gia đình liệt sĩ Phạm Công Lập, Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị tâm sự, 11 năm qua, gia đình ông Phạm Công Đức (Gio Linh, Quảng Trị - con trai duy nhất của ông Phạm Công Lập) rất nhiều lần làm hồ sơ, gửi đơn tới nhiều nơi. Sở cũng đã lập hồ sơ đề nghị các cơ quan thẩm quyền ở trên, nhưng đến nay, vẫn chưa có hướng giải quyết.
Theo ông Tuấn Anh, bà Phan Thị Giao (công tác cùng đơn vị) đã được công nhận liệt sĩ khi lập hồ sơ vào năm 2006 và đến năm 2010 mọi thủ tục công nhận liệt sĩ cho bà Phan Thị Giao đã hoàn thành, khi Nghị định 28-CP/1994 còn hiệu lực. Anh Phạm Công Đức lập hồ sơ cho bố là Phạm Công Lập vào năm 2011, đó là thời điểm Nghị định 54-CP/2006 thay đổi toàn bộ quy định, trình tự giải quyết hồ sơ liệt sĩ, tức là quy định 2 người cùng đơn vị xác nhận hy sinh hết hiệu lực.
“Hồ sơ trình nhiều lần vẫn chưa được giải quyết. Đây là trường hợp chúng tôi rất day dứt vì đến nay vẫn chưa làm được chế độ cho cụ Phạm Công Lập”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị. |
Từ trường hợp đặc biệt này, ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng, Nhà nước cần có sự liên kết giữa các bộ phận, xây dựng các tổ thẩm định để xác minh từng trường hợp cụ thể để tôn vinh liệt sĩ xứng đáng với hy sinh của họ cho Tổ quốc.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị hiện còn nhiều đối tượng rất thiệt thòi chưa được giải quyết. Trong đó, có trường hợp tự giác đi theo cách mạng và tham gia giúp đỡ cách mạng (đưa cơm, nấu ăn, đưa thư, nuôi giấu cách mạng…) trong vùng chất độc hóa học, đối diện với nguy hiểm hàng ngày nhưng sau khi được tặng thưởng huân chương, huy chương, được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc một lần, họ không được giải quyết chế độ chất độc hóa học. Có những người bị bắt tù đày 3, 4 lần, có vết thương nhưng cũng không được giải quyết chế độ tù đày.
Ông Hoàng Tuấn Anh trăn trở vì còn nhiều đối tượng chưa được tri ân xứng đáng với sự đóng góp của họ cho cách mạng. |
Đối tượng thứ hai cũng thiệt thòi là dân quân du kích, sau năm 1975, họ chỉ có chế độ trợ cấp một lần và nay không được hưởng gì. “Dù những trường hợp này không còn nhiều, nhưng chính sách phải công bằng”, ông Tuấn Anh bày tỏ. Vì thế, ông Tuấn Anh cho rằng, những người tham gia hoạt động kháng chiến, sau năm 75 không tiếp tục tham gia cách mạng, đã được tặng thưởng huân chương nên cố gắng cho họ được trợ cấp hàng tháng.
“Trường hợp dân quân du kích Nguyễn Thị Thu năm nay 68 tuổi ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong - người chèo đò qua sông Thạch Hãn có 6 năm vận chuyển hàng hóa bộ đội qua sông là một thí dụ. Sau giải phóng, bà được trợ cấp một lần 120 nghìn đồng. Bà được tặng thưởng Huân chương, nhưng giờ không có chính sách gì hỗ trợ”, ông Tuấn Anh cho hay.
10 năm đi đấu tranh cho 11 liệt sĩ hy sinh tại tỉnh Thừa Thiên (cũ), trên mảnh đất Trường Sơn, đến nay, ông Đậu Xuân Tường, Ủy viên Ban Chấp hành hội truyền thống Trường Sơn, Việt Nam-Phó ban chính sách-Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 vẫn canh cánh trong lòng vì chưa hoàn thành nhiệm vụ với sự kỳ vọng của thân nhân 8 gia đình này (có 3 người đã được Tổ quốc ghi công).
Theo ông Đậu Xuân Tường, có ba vấn đề tồn đọng hiện nay gồm: phong Anh hùng lao động; Xác nhận hồ sơ liệt sĩ và chế độ của nạn nhân chất độc da cam chưa bằng bệnh binh.
“Thay vì những phải tuân thủ toàn bộ quy trình thẩm định hồ sơ như hiện nay, có nhiều trường hợp đặc biệt cần phải xử lý theo cách khác. Nhà nước nên giải quyết từng trường hợp theo theo vụ việc, giải quyết theo vùng. Thí dụ, các trường hợp chiến sĩ ngã xuống ở đường Trường Sơn giờ đòi hỏi giấy tờ đầy đủ rất khó, cần có chế độ thẩm định hồ sơ theo cách riêng”, ông Đậu Xuân Tường kiến nghị.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn:
Nhà nước nên đặc cách suy tôn liệt sĩ cho họ
Ngay từ khi tiếp nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Bình cách đây mấy năm, bản thân tôi rất trăn trở trước thực tế có rất nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp ở cơ sở, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong từng làng, xã và hy sinh, được cộng đồng, bà con ghi công, có mộ, bia trong nghĩa trang liệt sĩ xã nhưng không có hồ sơ, giấy tờ nên không có căn cứ để công nhận liệt sĩ. Do chưa có bằng Tổ quốc ghi công nên thân nhân của số đối tượng này không được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ theo quy định.
Hằng năm, ngành Lao động-Thương binh và xã hội địa phương thường xuyên rà soát người hy sinh đã được ghi tên trong nhà bia liệt sĩ của các địa phương để báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng chỉ đạo giải quyết. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần gửi công văn cho Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đề nghị cho ý kiến đối với những trường hợp nêu trên nhưng đều không nhận được văn bản trả lời.
Theo cá nhân tôi, những đóng góp và sự hy sinh của các “liệt sĩ xã” trong kháng chiến chống Pháp đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân, địa phương ghi nhận, vì thế Nhà nước nên xem xét đặc cách suy tôn liệt sĩ cho các đối tượng này để tri ân công lao của thế hệ đi trước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.