Ngôi nhà nhỏ của ông Tùng, bà Hoa đơn sơ, giản dị nhưng rất ấm cúng.
Ngôi nhà nhỏ của ông Tùng, bà Hoa đơn sơ, giản dị nhưng rất ấm cúng.

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh

NDO - Dù mang trong mình vết thương chiến tranh, nhưng phát huy phẩm chất và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, bằng nghị lực, ý chí phi thường của mình, các thương bệnh binh vẫn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên, chiến thắng thương tật để xây dựng cuộc sống ổn định. Họ là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.

75 năm công tác đền ơn đáp nghĩa: Còn nhiều day dứt

Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" - văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có những văn bản quy định chưa phù hợp thực tế, hoàn cảnh; nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ; quá trình giải quyết khó khăn và phức tạp hơn nên hiện còn nhiều hồ sơ tồn đọng. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn còn đó như những vết thương chưa thể lành. Những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc chưa được đền đáp xứng đáng, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống...

Người thương binh từ chối chế độ hỗ trợ, tảo tần tự kiếm sống

Nếu như những câu chuyện của ông Phạm Công Lập, cụ Đỗ Bá Tiềm… để lại quá nhiều day dứt trăn trở, thì chuyện của người thương binh nặng Nguyễn Xuân Tùng (khu phố 2, phường 3, thành phố Đông Hà) lại mang đến cho chúng tôi những cảm xúc thật đẹp trên hành trình tìm về lịch sử và sự tri ân những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông. Bị cụt cả hai chân ở chiến trường Campuchia, nhưng cuộc sống sau chiến tranh của ông Tùng và người vợ xinh đẹp, hiền thục của ông lại là “một thiên tình sử” khiến nhiều người ngưỡng mộ.

42 năm trước, trong quá trình truy truy quét quân Pôn Pốt tại Campuchia, cả tiểu đội của ông Tùng vướng phải mìn. Khoảnh khắc khốc liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu đồng đội và cướp đi đôi chân của ông. Mất máu, kiệt sức giữa rừng sâu, chân hoại tử, ông đã nghĩ mình không còn ngày trở về…

Sau thời gian dài hôn mê, lúc tỉnh dậy, nhìn 2 cục bông trắng toát ở đùi, ông Tùng rợn tóc gáy. “Lúc ấy tôi đã nghĩ tuyệt vọng lắm, mất cả hai chân khi đang trẻ tuổi, vậy là cuộc sống coi như chẳng còn gì. May mà rồi sau này Ông Trời lại bù đắp cho tôi nhiều thứ quý giá”…

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 1
Ông Tùng vượt lên hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống mới.

Ngồi nơi bậc thềm mái hiên ngôi nhà gỗ mát mẻ rợp mát hoa lá, ông Tùng nở một nụ cười hiền hậu. Vợ ông, bà Lê Thị Hoa nhìn ông trìu mến tiếp lời: “Cũng nhờ chồng tôi chịu khó, không chịu khuất phục hoàn cảnh. Ông ấy nghị lực lắm, mất cả hai chân, ngày lê lết cái đòn tay này nhưng vẫn ra sức mày mò học lấy một nghề, rồi truyền dạy lại cho con cái. Nhờ vậy mà nhà tôi cũng đủ cuộc sống đắp đổi qua ngày. Những ngày mới nhiều vất vả lắm, nhưng rồi vợ chồng con cái cứ thế cùng nhau gây dựng lên”.

“Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, để bắt đầu cuộc sống mới của người thương binh sau chiến tranh quyết tâm “tàn nhưng không phế”, ông Tùng quyết định rời quê nhà ở Vĩnh Linh, chuyển vào TP Đông Hà sinh sống và mò mẫm theo nghề đúc chậu trồng hoa kiếm thêm tiền nuôi con. Đôi chân của người đàn ông khỏe mạnh không còn, việc di chuyển phải phải hoàn toàn bằng tay đòn, bằng nạng hoặc ngồi xe lăn bất tiện. Nhưng bên cạnh ông, luôn có bà Hoa và 3 đứa con nhỏ. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong căn nhà không có giận hờn, to tiếng, chỉ có những yêu thương.

“Lấy ông Tùng, lúc đầu gia đình không đồng ý. Nhưng rồi tôi không nghĩ cuộc đời mình được sung sướng, chiều chuộng như thế. Anh ấy cáng đáng mọi việc đàn ông trong nhà và chưa bao giờ to tiếng với vợ con”, mắt bà Hoa long lanh nhìn ông Tùng.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 2

Nhìn ngắm cơ ngơi của hai ông bà là ngôi nhà gỗ xinh xắn tuyệt đẹp, với các đồ vật mỹ thuật tinh xảo, trước hiên nhà rợp bóng cây hoa, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ. Điều đặc biệt ngưỡng mộ hơn là khi chúng tôi được nghe đồng chí Nguyễn Đức Lộc, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh, Xã hội thành phố Đông Hà cho biết, nhiều lần địa phương có suất ủng hộ tiền cho ông sửa chữa lại nhà cửa nhưng ông nhường cho người khó hơn mình nhận trước. Ngôi nhà ông đang ở dù chưa kiên cố nhưng vẫn tốt hơn nhiều người, ông sẽ nhận sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm những lần sau. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Tùng cũng chỉ cười nhẹ nhõm: “Nhiều người còn gian khổ hơn mình, mình có chút kinh tế tạo dựng từ đôi bàn tay, cuộc sống tạm ổn, nên chúng tôi không nhận hỗ trợ”.

“Mong muốn mọi thương binh đều được quan tâm như chúng tôi”

Đó là câu nói “cửa miệng” của ông Lê Tiến Quý - thương binh ¼ ở khu phố 2, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tham gia chiến đấu ở biên giới tây-nam vào những năm sau 80, khi bị thương trở về, vì có đầy đủ giấy tờ, thủ tục, nên mọi chế độ cho thương bệnh binh, ông Quý đều được trợ cấp đầy đủ. Kể lại câu chuyện của mình, ông Quý luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức xã hội đã quan tâm chăm sóc đến cuộc sống gia đình mình. Nhờ đó, vợ chồng ông có nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 3
Vợ ông Lê Tiến Quý vừa chăm con, vừa nhận trông trẻ để có thêm chút thu nhập.

Năm 1984, khi trở về mảnh đất Đông Hà, Quảng Trị, thương binh Lê Tiến Quý đã để lại chiến trường một phần cơ thể. Nhiều năm làm trinh sát trên chiến trường Lào, ông bị bắn, bị đạn găm vào xương hàm mặt, va phải mìn khiến đôi tay không còn lành lặn và phải cắt bỏ khúc ruột.

Ra quân 11 năm, ông mới xây dựng gia đình với vợ là Đoàn Thị Tám. Với thương tật 81%, ông Quý có trợ cấp thương tật thương binh ¼ và có người nuôi dưỡng với số tiền trợ cấp 7,9 triệu/tháng. Hai đứa con nhỏ của ông đi học được miễn hoàn toàn học phí và được trợ cấp hằng tháng, trung bình mỗi tháng khoảng 1.650 nghìn đồng. Hằng năm, ngoài các dịp lễ, Tết, ông Quý cũng được thăm khám sức khỏe định kỳ, có chế độ đi điều dưỡng.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 4
Bàn tay của ông Quý bị mất ngón, đứt gân, không thể co duỗi được bình thường.

Ngày về thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ông được phân cho một căn tập thể khu thương binh. Sau đó, được nhà nước cấp cho 180m đất. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, ông đã được xây nhà tình nghĩa kiên cố tránh mưa bão.

Nhiều năm qua, ông cũng cố gắng vượt lên thương tật, cùng vợ tính toán buôn bán chậu cảnh, trông giữ trẻ nhỏ. “Trước đây, gia đình cũng bán chậu cảnh nhưng giờ yếu thì nghỉ. Tôi cũng được giới thiệu vào làm bảo vệ các cơ quan nhà nước nhưng vì hồ sơ là thương binh hạng 1 nên không nơi nào dám nhận. Ngoài trợ cấp, vợ tôi cũng trông thêm trẻ để có thêm chút kinh tế nuôi các cháu”, ông Quý kể.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 5
Ngôi nhà của ông Quý được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã được xây dựng khang trang hơn.

Vực dậy khi cơ thể đeo bám nỗi đau vết thương chiến tranh, với sự chăm lo, tri ân của Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức từ thiện, không riêng gia đình ông Quý, nhiều thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã có ngôi nhà khang trang hơn, cuộc sống ổn định hơn.

“So với nhiều thế hệ đi trước thì chúng tôi may mắn vẫn còn có đủ giấy tờ nên được ghi nhận và chăm sóc chu đáo. Tôi luôn biết ơn Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm chăm lo cho các thương bệnh binh. Dù giai đoạn Covid-19 vừa qua khó khăn, nhưng chính sách quan tâm đến thương bệnh binh không thay đổi. Chúng tôi chỉ mong con cái sau này trưởng thành sẽ được hỗ trợ việc làm”, ông Quý bày tỏ.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 6

Những thương binh như ông Tùng, ông Quý, dù tuổi cao, sức yếu, mang trong mình vết thương chiến tranh nhưng vẫn phát huy tinh thần người lính cụ Hồ, sống gương mẫu. Ông cũng chỉ đau đáu một nỗi niềm, có nhiều đồng đội của mình, đặc biệt là những thế hệ đi trước ở quanh làng quanh xóm, cống hiến nhiều nhưng chưa có đủ hồ sơ giấy tờ chưa được hưởng chế độ xứng đáng.

Quyết tâm giải quyết những tồn đọng

Thời gian qua, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc và nhân chứng... đã và đang được đẩy mạnh. Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng, tập trung của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng… sự tận tụy và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh-xã hội các cấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn... Công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh ảnh 7
Thế hệ trẻ ngày nay phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tích cực tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa.

Trong thực tế, điều khó khăn nhất với những người làm thẩm định hồ sơ chính là việc đi tìm chứng cứ. Thí dụ, có trường hợp, người làm chứng cho người hy sinh thực ra không chiến đấu cùng đơn vị. Có trường hợp khai chết ở trong nhà tù, Cục Người có công phải tới tận nơi xác minh. Có trường hợp mất tên, mất tích, Cục Người có công phải xem xét kỹ hồ sơ lưu trữ bên cơ quan công an. Công việc này, nhiều khi giống như “mò kim dưới đáy bể”.

Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, những đối tượng tồn đọng sau chiến tranh vẫn còn nhiều. Thí dụ như có những người bị thương, bị chết mà không còn giấy tờ nào để chứng minh. Trong khi đó, việc xác nhận, thẩm định hồ sơ thương binh, liệt sĩ thời bình đặt ra chặt chẽ hơn. Theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách mở rộng đối tượng hơn nhưng quy định cũng được chuẩn hóa hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tin tưởng, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

"Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng để đất nước có được hòa bình, độc lập của ngày hôm nay là hết sức thiêng liêng, không gì có thể đong đếm được. Và cách tri ân tốt nhất, thiết thực nhất của thế hệ hôm nay là làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách", ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương cần phải triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả.


Theo đó, các ngành, các cấp cần chú trọng đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; ngành lao động, thương binh và xã hội cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước, rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh.


Các bộ ngành và địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng chính xác, kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

back to top