Ra mắt tiểu luận về văn học của Milan Kundera

NDO - “Những di chúc bị phản bội”, cuốn tiểu luận về văn học uyên bác và giàu giá trị của Milan Kundera vừa được Nhã Nam giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Ông viết với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà phê bình âm nhạc, đồng thời như một hiệp sĩ rong ruổi dọc lịch sử văn hóa châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn “Những di chúc bị phản bội”. (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)
Cuốn “Những di chúc bị phản bội”. (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)

“Những di chúc bị phản bội” là một tiểu luận gồm 9 phần liên kết với nhau bằng các phân đoạn và trình tự, không có tường thuật hay cốt truyện, không có nguyên tắc kết cấu hay chủ đề bao quát; nhưng có một sự thông suốt trong tư tưởng về nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật.

Trong cuốn sách này, Kundera dành sự quan tâm đặc biệt tới các nhà văn lớn của thế kỷ 20 như Franz Kafka, Thomas Mann, Hemingway, Rabelais và những nhà soạn nhạc mà ông ngưỡng mộ (Stravinski và Janacek), với lượng kiến thức về văn học và âm nhạc đầy choáng ngợp.

“Những di chúc bị phản bội” là một cái nhìn uyên bác về nghệ thuật tiểu thuyết trong dòng chảy văn học và tương quan với những nghệ thuật khác mà cụ thể ở đây là âm nhạc; một tinh thần kiên định với thái độ tôn trọng với những nghệ sĩ lừng lẫy.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1993.

Milan Kundera sinh năm 1929 trong một gia đình trí thức trung lưu tại Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981. Ông lớn lên trong một môi trường mà văn hóa nghệ thuật có vị trí rất quan trọng. Bố ông là Ludvik Kundera, một nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng ở Séc. Kundera được học piano từ khi còn bé. Âm nhạc để lại dấu ấn không nhỏ trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông.

Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, Milan Kundera chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995.

Ông có 10 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, và 9 trong số đó đã được dịch ở Việt Nam: “Cuộc sống không ở đây”, “Điệu valsa giã từ”, “Những mối tình nực cười”, “Vô tri” (Cao Việt Dũng dịch), Lễ hội của vô nghĩa (Nguyên Ngọc dịch), Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch), “Sự bất tử”, “Chậm”, “Căn cước” (Ngân Xuyên dịch).

Ngoài ra, ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã được dịch sang tiếng Việt.