Milan Kundera và tiểu thuyết mới “L’Ignorance” (Sự ngu dốt)

Milan Kundera và tiểu thuyết mới “L’Ignorance” (Sự ngu dốt)

* “Sự ngu dốt" là cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông viết bằng tiếng Pháp. Vậy ông có còn hoài nhớ tiếng Tiệp như nhân vật Josef của ông lảm nhảm nói với người bạn của anh bằng thứ tiếng mẹ đẻ đó?

- Hoài nhớ? Không đâu. Bởi vì, khác với Josef, tôi luôn luôn lảm nhảm tiếng Tiệp với bà xã của tôi. Nhưng, từ hai mươi tám năm, thế giới quanh tôi là Tây, thế giới này nói tiếng Tây với tôi, và tôi nói cũng nói lại bằng tiếng Tây.

Mọi ngày như một ngày, tôi có thể nhận ra sự khác biệt sâu thẳm giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng học được đó (la langue apprise). Khi tôi nói tiếng Tiệp, câu kệ cứ thế tuôn ra khỏi miệng, không thể cầm giữ, như thể chúng được cài đặt tự động ở trong bộ não của tôi ngay từ lúc còn nằm trong nôi.

Với tiếng Tây, ngược hẳn lại, chẳng có gì là tự động đối với tôi. Với nó, tất cả là ý thức. Là suy nghĩ, đắn đo. Kiểm tra, kiềm giữ. Nhưng cũng là mới mẻ. Thâu nhận. Chiến thắng. Là lạ lẫm, ngỡ ngàng, tuyệt tuyệt. Từ chỉ một từ, chỉ một hình dạng. Cái liên hệ ý thức tới cực điểm (archiconscient) với ngôn ngữ như vậy đó, làm tôi mê mẩn. Nó không đi ngược với văn phong của tôi, vốn từ lâu, được viết dưới những đòi hỏi của sự sáng sủa, giản dị, thấu triệt và chân xác.

* Đọc tiểu thuyết của ông, người ta có cảm tưởng như thể con người là một kẻ lưu vong ở trong tim trong hồn của nó, ông nghĩ sao về điều này?

- Tiểu thuyết gia không phải là người hầu của những sử gia. Anh không thể kể về, hay bàn về lịch sử, nhưng khám phá ra những khía cạnh chưa biết tới của hiện hữu con người.

Những biến động lớn lao của lịch sử đối với anh ta giống như cái đèn giọi bất thình lình làm sáng tỏ những khía cạnh ẩn giấu và vạch trần chúng ra. Nói cho cùng, hoài nhớ là gì, nếu người ta bỏ vào trong ngoặc tất cả những bản kẽm tình cảnh liên quan tới vấn đề này? ...

Đâu đâu tôi cũng nghe những khẩu hiệu về “bổn phận của hồi nhớ”, “việc làm của hồi nhớ”, nhưng hai nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của tôi trở về cố hương sau hai mươi năm, họ sững sờ nhận ra sự “hiển nhiên của tất cả mọi hiển nhiên: thực tại ngày nào là thực tại, nhưng hiện tại thì không còn nó nữa, và không thể nào tái tạo”.

* Ông có thể nói một phần về bố cục của cuốn tiểu thuyết?

- Trong “Sự ngu dốt”, là những mô típ về hoài nhớ, quên lãng, Ulysse, Arnold Schornberg, tấm gương (Irena, Milada, bà mẹ, Gustaf, tất cả đều mê mẩn bởi tấm gương), một cái áo T-shirt thô kệch với bộ mặt của Kafka, bên trong căn nhà tại Danemark (Josef không ngừng bị nó ám ảnh), âm nhạc biến thành tiếng động. Những mô-típ này đọng lại ở trong hồi ức của độc giả, ngay từ lần xuất hiện đầu tiên của chúng, ở trong cuốn tiểu thuyết, cho tới lúc chót.

Chính vì lý do đó mà phần hai của cấu trúc lẽ đương nhiên phải đẹp hơn phần đầu, giàu có hơn, “ác liệt hơn” (intense), bởi vì càng tiến sâu vào những căn phòng của cuốn tiểu thuyết, càng có thêm những tiếng vang (échos) của những câu kệ trước đó đã được phô bày ra, những đề tài đã được trình bày, chúng cứ thế nhân lên thêm mãi, kết hợp với nhau thành những cộng hưởng (résonner, résonnances), cứ thế vang vọng từ ba bề bốn bên.

Đó là cái mà người ta gọi là “strette”, theo như thuật ngữ của giới âm nhạc: phần chót của một fuga, tính đặc thù của nó là do cách viết được nén chặt lại một cách thật là đặc biệt.