Doanh nghiệp tham gia ứng phó thiên tai

NDO - Trong những năm qua, thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, phá hoại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Mặc dù Ðảng, Nhà nước  đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp ứng phó, nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn khá lớn. Mỗi khi xảy ra bão lũ, lốc xoáy, sạt lở đất... nhân dân là những người gánh chịu trực tiếp hậu quả, trong đó các doanh nghiệp cũng chịu tổn thất rất lớn. Làm thế nào để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn trong công tác này, góp phần hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra?

Thiên tai ngày càng nghiêm trọng, khó lường

Nước ta chịu ảnh hưởng của 13 kiểu thiên tai các loại, như hạn hán, động đất, cháy rừng, bão, lũ, sạt lở đất... Nhưng tàn phá lớn nhất vẫn là lũ và bão (83% số người thiệt mạng và hơn 70% thiệt hại về kinh tế). Trong 20 năm qua (1990 - 2010), thiên tai đã làm 12.915 người chết và mất tích, trung bình mỗi năm là 646 người. Trong đó, 10 năm gần đây (2000-2009) thiên tai làm chết 4.633 người, giảm gần một nửa so giai đoạn 1990-1999, nhưng thiệt hại về kinh tế lại tăng gấp ba lần (ước tính 86.083 tỷ đồng, tương đương gần 5,3 tỷ USD, chiếm 75% tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai trong 20 năm qua). Các cơn bão lớn gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, tàn phá cơ sở hạ tầng và các khu vực dân cư. Bão kèm theo mưa to là tác nhân chính của những trận lũ lớn trên các triền sông, nhất là đồng bằng sông Hồng và miền trung, tạo sức ép toàn diện đối với vùng hạ lưu, tàn phá nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Theo cảnh báo của Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á, biến đổi khí hậu làm thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là với quốc gia nhạy cảm trước thiên tai như Việt Nam. Rủi ro thiên tai cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mức độ tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế

Theo Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), 85% doanh nghiệp Việt Nam từng bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy và triều dâng. Trong đó, doanh nghiệp tại Ðà Nẵng chịu ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến là doanh nghiệp vùng ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên. Mỗi khi có thiên tai xảy ra, 60% doanh nghiệp bị thiệt hại, trong đó 5% chịu thiệt hại rất nặng nề; 30% ở mức nặng nề, chủ yếu là đổ sập nhà xưởng, hư hỏng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và hàng hóa. Ðáng lo ngại hơn là mức độ sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong doanh nghiệp Việt Nam rất thấp: 5% doanh nghiệp không quan tâm đến phòng chống rủi ro thiên tai; 46% doanh nghiệp có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó; 33% doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở khu vực tư nhân (chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp) hầu như không có khả năng phòng tránh và ứng phó khi có thiên tai xảy ra; 78% số doanh nghiệp chưa có hoạt động tương trợ lẫn nhau; 60% chưa mua bảo hiểm rủi ro thiên tai... Ðơn cử, siêu bão Xangsane (tháng 9-2006) đã làm hàng loạt các khu nghỉ mát lớn ở ven biển Ðà Nẵng và Hội An như Furama Resort, Golden Sand Resort, Palm Beach Garden Resort, Victoria Hội An; các nhà máy của Coca Cola, bia Forster, Dutch Lady, Vedan, Công ty thuốc lá Ðà Nẵng, Công ty Cao-su Ðà Nẵng và các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, An Ðồn, Hòa Cầm (Ðà Nẵng); Ðiện Nam - Ðiện Ngọc (Quảng Nam) mất từ ba đến bốn tháng mới có thể khắc phục, đi vào hoạt động. Hậu quả làm hơn 12 nghìn công nhân mất việc làm. Hàng loạt DN nhỏ và vừa bị tàn phá nặng nề, một số phá sản. Thiệt hại nặng nhất là Nhà máy sản xuất xe máy Heasun trong KCN Hòa Khánh (Ðà Nẵng) bị sập hoàn toàn hai nhà xưởng, hư hại hàng nghìn bộ thiết bị, linh kiện xe máy, thiệt hại ước tính 150 tỷ đồng, sản xuất của nhà máy ngưng trệ nhiều năm liền. Cuối năm 2006, bão số 9 tràn vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làm hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Ðông Xuyên bị đổ tường, tốc mái, sập nhà xưởng, vỡ cửa kính. Một số doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, mất mát tài sản thiết bị từ 60 đến 80% như Nhà máy giày Uy Việt, Công ty TNHH Hikosen Cara... Theo GS, TS Ðào Xuân Học, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau mỗi đợt thiên tai, các doanh nghiệp đều có hỗ trợ nhau và hỗ trợ cộng đồng dân cư trong việc khắc phục hậu quả, nhưng hoạt động này còn mang tính tự phát nên hiệu quả chưa cao. Còn ông Evangelos Petratos - chuyên gia Cơ quan viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) cho rằng, tại châu Á, mỗi khi xảy ra thảm họa, các tổ chức sẽ nhanh chóng huy động từ nguồn lực doanh nghiệp trong công cuộc tái thiết cuộc sống của người dân sau thiên tai. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, cứu trợ như thế này không có nhiều và hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

Doanh nghiệp, một lực lượng mạnh

Với tầm nhìn dự báo, năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt Ðề án: "Nâng cao nhận thức của cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng". Theo đó, doanh nghiệp được xác định là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng, là chủ thể quan trọng của Ðề án, bảo đảm cho tính hiệu quả và bền vững của các chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia và khu vực. Gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong công tác phòng, tránh, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Mục tiêu chính là thông qua việc hỗ trợ từ các chương trình quốc gia để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, tránh, ứng phó khi có thiên tai, hỗ trợ nhau và tham gia cùng cộng đồng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Doanh nghiệp được cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật về các nguy cơ rủi ro do thiên tai; Cung cấp các giải pháp cụ thể, hỗ trợ nguồn lực, năng lực để doanh nghiệp chủ động ứng phó, phòng tránh cho từng loại hình thiên tai; Triển khai hoạt động kết nối mạng lưới, chuyển giao kiến thức và các sáng kiến chung trong ứng phó rủi ro thiên tai; Kết hợp lợi ích của doanh nghiệp với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ, tái thiết sau thiên tai. Gần đây, đáng chú ý, đã ra đời Quỹ Hỗ trợ phòng chống thiên tai miền trung. Sau ba năm hoạt động, Quỹ huy động gần 100 tỷ đồng từ khu vực doanh nghiệp, hỗ trợ các địa phương vùng lũ 14 tỉnh ven biển miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận xây dựng 47 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, trong đó, 28 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả cao; Triển khai trồng 200 ha rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thanh Hóa; 100 ha rừng chắn cát ở tỉnh Quảng Trị; Thành lập và tập huấn 25 đội ứng cứu thiên tai cấp thôn ở năm tỉnh. Hàng nghìn lượt lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở được tập huấn, hướng dẫn thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong ứng phó và phòng tránh thiên tai. Tại đồng bằng sông Cửu Long, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh An Giang liên kết với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hiệu quả. Năm 2011, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang tham gia làm thành viên của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Các doanh nghiệp tham gia in và phân phát vở, kết hợp tài liệu tuyên truyền cho học sinh nghèo vùng bị thiên tai, tài trợ xây dựng bản tin tuyên truyền các giải pháp an toàn trong mùa lũ, bão và phát trên Ðài Truyền hình tỉnh, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư phòng tránh thiên tai. Trên bình diện cả nước, khối doanh nghiệp đã đóng góp, hỗ trợ rất lớn cho khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung nhiều vào hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh, tấm lợp, chăn màn, sách vở, đồ dùng cho học sinh... giúp người dân ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Ðiển hình là các hoạt động cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai ảnh hưởng tại miền bắc (lũ, bão năm 2005 và 2008), tại miền trung (lũ, bão năm 1999, 2006, 2008 và 2009), tại miền nam (bão, lũ năm 1997, 2000, 2001, 2011).

Sáng kiến Tăng cường quan hệ đối tác công - tư trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam của ADPC được Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Nội dung của sáng kiến là huy động nguồn lực của doanh nghiệp, kết hợp lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp trong công tác ứng phó và khôi phục sau thiên tai; doanh nghiệp được hỗ trợ trong quá trình thực hiện hoạt động phòng ngừa và ứng phó thiên tai, hạn chế tác động do thiên tai gây ra.