Quýt ngọt xứ Mường

Cuối năm, thời tiết vùng cao, biên giới huyện Mường Khương (Lào Cai) rét đậm, đồng bào Pa Dí, Bố Y, Nùng Dín... sinh sống trên vùng núi đá San Sả Hồ, Lao Chải, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ nhộn nhịp thu hoạch quýt ngọt. Năm nay quýt được giá, thương lái đến tận vườn thu mua, nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng, niềm vui lan tỏa trên vùng đất "thừa đá, thiếu nước", gian khó của tỉnh Lào Cai.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Khương thu hoạch quýt.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Khương thu hoạch quýt.

Dịp cuối năm, thời tiết vùng cao Mường Khương rét đậm, chúng tôi lên "trung tâm" quýt ngọt Lao Chải nằm ngay sát biên giới Việt Nam-Trung Quốc, chứng kiến bà con dân tộc Bố Y ở đây nhộn nhịp đổi công giúp nhau thu hoạch quýt chín, đóng gói, xếp lên xe ô-tô chuyển về Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh cho thương lái đầu mối. Vợ chồng anh Giàng Seo Bình, dân tộc Bố Y mải miết thu hái, bao gói và xếp cẩn thận từng thùng quýt lên xe, không quên dán theo địa chỉ gửi cho khách hàng ở các tỉnh, thành phố. Anh Bình cho biết, giao thông thuận lợi cho nên việc bán hàng cũng dễ dàng, thuận tiện. Vợ chồng anh chỉ việc đóng hàng vào thùng nhựa theo quy cách, dán kèm địa chỉ người nhận, xe ô-tô tải đến tận vườn vận chuyển giao cho người mua. Nhờ vậy, quýt đến tay người dùng bảo đảm tươi ngon, nguyên hương vị, không hư hỏng. Với gần 10.000 cây quýt trồng trên đồi nương thay cho trồng ngô như trước đây, trong đó có 4.000 cây đang cho thu hoạch, vụ này gia đình anh Bình bán ra thị trường khoảng 50 tấn quả, thu về hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí còn hơn 300 triệu đồng. Nhờ trồng quýt thay cây ngô, anh Bình xây được nhà kiên cố, mua xe ô-tô du lịch đời mới, có tiền gửi ngân hàng, con cái được học hành đầy đủ, là hộ sản xuất giỏi của huyện và tỉnh. Vườn nhà chị Lò Dìn Phủng, người Bố Y, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương có 8.000 cây quýt; trong đó, quýt đang trong thời gian thu hoạch có khoảng từ 3.500 đến 4.000 cây, còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ một đến ba năm. Chị Phủng cho biết, vụ quýt năm nay được mùa được giá, dự ước sẽ thu hoạch được khoảng từ 30 tấn đến 40 tấn quả, thu về khoảng 400 triệu đồng. Nhờ trồng giống chín sớm và chín muộn, sản phẩm bán rải vụ từ tháng 8/2022 đến hết tháng 2/2023 nên không lo bị ép giá. Theo chị Phủng, trồng quýt cho thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng ngô như trước đây.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, hiện có hơn 3.000 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở bảy xã vùng cao, trồng 815ha quýt trên đất đồi thay thế cây ngô, trong đó có 400ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng gần 5.000 tấn/năm. Quýt được trồng nhiều nhất tại thị trấn Mường Khương và các xã lân cận như: Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Thanh Bình… Những năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử hoặc sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu và bán sản phẩm. Nhờ vậy, hiện nay, bà con đã khai thác rất tốt lợi thế này để bán hàng, gửi hàng đi khắp các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, quýt Mường Khương giá bán cao hơn năm trước từ 2.000-3.000 đồng/kg, ước tính đem lại tổng thu khoảng gần 100 tỷ đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới đang thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng hiệu quả kinh tế cao, dựa vào lợi thế đất đai và khí hậu, thổ nhưỡng sẵn có.

Thời gian tới, người dân Mường Khương không chỉ được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ, mà tiến tới sẽ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất quýt tạo mối liên kết ngang giữa những người nông dân trồng quýt nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Đồng thời, các tổ hợp tác này cũng sẽ có vai trò tăng cường liên kết dọc giữa những người nông dân và các tổ chức tiêu thụ quýt trên địa bàn huyện như các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch.