Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành phố giao là 81.033,18 tỷ đồng (bằng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đến ngày 25/9/2024, thành phố đã giải ngân được 29.647 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (ước đến hết tháng 9 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đối với các dự án cấp thành phố, lũy kế giải ngân các dự án ngân sách cấp thành phố đến nay là 9.082 tỷ đồng, đạt 33,4% kế hoạch; trong đó còn 86 dự án chưa giải ngân với kế hoạch vốn đã bố trí là 1.548 tỷ đồng. Kết quả giải ngân các dự án cấp thành phố hiện nay chậm. Đối với các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ, lũy kế giải ngân đến nay là 4.222 tỷ đồng, đạt 33,5% kế hoạch. Trong đó, 372 dự án chưa có giá trị giải ngân với kế hoạch vốn đã bố trí là 4.134 tỷ đồng (đây là con số rất lớn, chiếm 37% tổng số dự án và 32,8% về kế hoạch vốn).
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, công tác triển khai thủ tục đầu tư của các dự án cấp thành phố chậm. Hiện còn 49 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; 166 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chưa được phê duyệt dự án. Các công trình trọng điểm, dự án liên kết vùng, dự án ODA, dự án có quy mô lớn tiến độ triển khai chậm, như dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo)…
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đánh giá, nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân thấp do việc hoàn thiện thủ tục đầu tư tương đối chậm và vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu do khó khăn về xác định nguồn gốc đất, dẫn đến đơn thư khiếu nại về đất đai. Việc này thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương.
Theo đại diện huyện Đan Phượng, để triển khai thủ tục đầu tư xây dựng từ khi phê duyệt chủ trương đến khi phê duyệt dự án thường mất cả năm, với khối lượng công việc rất lớn. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ để tiến độ giải ngân đạt 95% đủ điều kiện theo quy định. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã trình thành phố phê duyệt được 20 dự án. Ngoài ra, có 65 công trình, dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng, chia ra các nhóm, Sở đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án của thành phố, các quận, huyện để đôn đốc. Hiện khối lượng công việc còn nhiều ở các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, giao thông, môi trường, hạ tầng kỹ thuật... Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án, Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư tích cực phối hợp với các sở, ngành trong quá trình triển khai thủ tục, tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý với các dự án, trong đó rà soát, kiểm duyệt kỹ thành phần, nội dung hồ sơ tránh gây kéo dài. Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy trình tháo gỡ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục về môi trường.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, để đẩy nhanh triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra một số nhiệm vụ như: quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định và kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy với lãnh đạo các quận, huyện mới đây về nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, khẩn trương có giải pháp cụ thể, nhất là tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án. “Người đứng đầu các cấp, các ngành quan tâm và tập trung hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý ■