Theo nghiên cứu của Liên minh toàn cầu bảo vệ giáo dục khỏi bị tấn công (GCPEA), khoảng 6.000 vụ tấn công nhằm học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục và trường học xảy ra trong giai đoạn 2022-2023, tương đương trung bình tám vụ tấn công diễn ra mỗi ngày. Ðiều đáng lo ngại hơn là số vụ tấn công tăng gần 20% so với giai đoạn 2020-2021, đồng nghĩa với việc các cuộc xung đột vẫn chưa hạ nhiệt và nỗ lực bảo vệ vẫn chưa hiệu quả.
Dựa trên dữ liệu ghi nhận được tại 27 quốc gia, GCPEA ước tính, hàng trăm cơ sở giáo dục đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn bởi các cuộc không kích, pháo kích, đốt phá và cướp bóc. Tại một số nước như Afghanistan và Nigeria, các nhóm vũ trang còn chiếm trường học làm căn cứ và kho vũ khí.
Theo GCPEA, hơn 10.000 học sinh, sinh viên và người làm trong ngành giáo dục bị thương, bắt cóc, giam giữ, lạm dụng và giết hại. Nhiều người dù may mắn sống sót nhưng lại lo sợ phải quay lại trường sau khi đã trải qua các cuộc tấn công tàn khốc. Ở Syria, nhiều trẻ em còn bị ép vào các nhóm vũ trang khi đang trên đường tới trường. Nghiên cứu của GCPEA chỉ ra rằng, học sinh và giáo viên nữ, học sinh là người khuyết tật, dân tộc thiểu số phải đối mặt nhiều nguy cơ và tác động hơn. Tại Afghanistan và Pakistan, học sinh nữ trở thành mục tiêu của những kẻ muốn ngăn cản các em tiếp nhận nền giáo dục.
Thời gian qua, những con số tang thương vẫn thường xuyên được nêu lên trên các phương tiện truyền thông. Kể từ khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza tháng 10/2023 đến nay, tổng số trường học bị hư hại hoặc phá hủy lên đến khoảng 80%, đẩy hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên vào cảnh thất học. Ðiều này không chỉ xảy ra ở Dải Gaza mà còn ở những nơi xung đột tiếp diễn và leo thang. Việc học bị ngưng trệ khiến thanh thiếu niên và thậm chí là trẻ em phải đối mặt tương lai đầy khó khăn, bị ép tham gia các nhóm vũ trang hay lao động sớm.
Nhiều biện pháp đã được các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế triển khai nhằm ứng phó tình trạng nêu trên. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cung cấp hỗ trợ tâm lý cho học sinh và giáo viên phải đối mặt xung đột, nhất là ở Palestine, Sudan và Ukraine. Ðể bảo đảm việc học tập tiếp diễn khi trường học phải đóng cửa vì lý do an ninh, UNESCO đưa ra các giải pháp thay thế, như học trực tuyến. UNESCO cũng hợp tác các đối tác để cải thiện việc thu thập dữ liệu về các cuộc tấn công, nhằm thúc đẩy công tác phòng ngừa. Bất chấp những nỗ lực nêu trên, UNESCO mới đây lại phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động ngày càng nghiêm trọng của xung đột đối với nền giáo dục tại nhiều quốc gia.
Bày tỏ quan ngại về tình trạng nêu trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, những người bị cuốn vào vòng xoáy xung đột, trong đó có trẻ em và thanh thiếu niên, phải chịu đựng những mất mát khó có thể đong đếm được. Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế bảo vệ giáo dục khỏi bị tấn công (9/9), người đứng đầu Liên hợp quốc nhắc nhở về những hậu quả của xung đột đối với thể chất, tâm trí và tinh thần của con người. Ông Guterres khẳng định, được giáo dục là quyền cơ bản thuộc về mọi trẻ em và thanh thiếu niên ở bất cứ đâu.
Do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển và bảo vệ nền giáo dục, đồng thời buộc những kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm. Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia ủng hộ GCPEA, cũng như thực hiện Tuyên bố về Trường học an toàn, một cam kết liên chính phủ nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên và trường học khỏi những tác động của xung đột được đưa ra năm 2015. Như ông Guterres nhận định, nỗ lực này cần bảo đảm rằng, trẻ em và thanh thiếu niên không bị cản bước đến trường ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng và khi xung đột đã qua đi.