AU kêu gọi giải pháp lâu dài cho các cuộc xung đột ở châu Phi

Ngày 19/2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi các nước châu Phi phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn xung đột và tìm giải pháp lâu dài cho các vấn đề ở "Lục địa Đen".
0:00 / 0:00
0:00
Một gia đình tại trại tị nạn ở Bamako, Mali. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
Một gia đình tại trại tị nạn ở Bamako, Mali. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo 1 tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ai Cập, đại diện cho Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Hòa bình và an ninh của Liên minh châu Phi (AUPSC), Ngoại trưởng Shoukry cho biết, Hội nghị thượng đỉnh AU năm nay diễn ra trong bối cảnh các diễn biến khu vực và quốc tế đòi hỏi sự hợp tác để đối phó với những thách thức hiện nay.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập kêu gọi hướng đến quan điểm toàn diện để giải quyết các thách thức và mối đe dọa với châu Phi, theo cách tìm và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, cũng như các khía cạnh phát sinh về kinh tế và xã hội.

Đề cập các vấn đề khu vực, ông Shoukry hoan nghênh những tín hiệu tích cực ở Sudan trong bối cảnh các phe phái ở nước này nhất trí về phiên bản cuối cùng của tuyên bố chính trị sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi hỗ trợ Libya để thúc đẩy tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống, nhằm khôi phục chủ quyền và sự ổn định ở quốc gia láng giềng này.

Về các vấn đề quốc tế, ông Shoukry hối thúc các nước châu Phi tiếp tục tuân thủ Đồng thuận Ezulwini và Tuyên bố Sirte để đưa ra quan điểm thống nhất của châu Phi về cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo các văn kiện này, các quốc gia châu Phi phải có ít nhất 2 ghế thường trực và 5 ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do AU lựa chọn.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng lưu ý thêm rằng, một số công thức mới liên quan lộ trình cải cách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa tính đến lợi ích và lập trường của châu Phi.

Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 18-19/2 ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thảo luận về một loạt thách thức mà lục địa này đang phải đối mặt, trong bối cảnh Liên hợp quốc kêu gọi AU làm nhiều hơn để mang lại hòa bình cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, AU tái khẳng định chính sách "không khoan nhượng" đối với những thay đổi trái với hiến pháp, theo đó tiếp tục đình chỉ tư cách thành viên của 4 nước do chính quyền quân sự lãnh đạo.

Cụ thể, AU duy trì biện pháp trừng phạt với các quốc gia vùng Sahel, gồm Burkina Faso, Guinea và Mali, cùng với Sudan, vốn được áp dụng sau các cuộc đảo chính trong những năm gần đây. Tuy nhiên, AU cũng tuyên bố sẵn sàng giúp các nước này khôi phục trật tự hiến pháp.

Tương tự, trong 1 cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng thông báo duy trì các biện pháp trừng phạt đối với 3 quốc gia thuộc khu vực Sahel, gồm Burkina Faso, Guinea và Mali.

Khối này cũng quyết định áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các quan chức chính phủ và lãnh đạo cấp cao của 3 quốc gia nói trên.

ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại cứng rắn đối với Mali và các hình phạt nhẹ hơn đối với Guinea và Burkina Faso, nhằm gây sức ép buộc Mali và Burkina nhanh chóng khôi phục chế độ dân sự vào năm 2024, trong khi Guinea phải thực hiện yêu cầu này trong năm 2025.

Lãnh đạo các quốc gia Tây Phi đã gặp nhau bên lề Hội nghị xem xét các biện pháp cũng như thảo luận về tiến trình khôi phục chế độ dân sự ở 3 quốc gia này.