Theo tuyên bố từ Phủ Tổng thống Ai Cập, tại điện đàm, hai nhà lãnh đạo xem xét các giải pháp mạnh mẽ, nhằm bảo đảm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và tạo điều kiện cho việc trao đổi con tin.
Đại diện Ai Cập và Mỹ cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan vượt qua các trở ngại, thể hiện sự linh hoạt để đạt được thỏa thuận.
Nhật Bản cam kết đồng hành cùng Ai Cập giảm căng thẳng tại Trung Đông.
Bên lề Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi cấp bộ trưởng diễn ra tại Nhật Bản, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tái khẳng định cam kết của Tokyo trong việc hỗ trợ nỗ lực của Ai Cập nhằm giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, nhất là liên quan cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Gaza, cũng như nguy cơ bất ổn lan rộng trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tình trạng bạo lực tiếp diễn sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên liên quan. Về phía Ai Cập, Cairo kiên quyết phản đối các chính sách của Israel làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận, các nhà đàm phán của nước này đã có mặt tại Cairo hôm 23/8 để tham gia đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán ngừng bắn ở Gaza sẽ được tiếp tục vào ngày 25/8. Thông tin được đưa ra sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhận định, vòng đàm phán mới nhất về ngừng bắn ở Gaza, vừa diễn ra tại Cairo (Ai Cập), đã đạt tiến triển và mang tính xây dựng.
Trước đó, để các cuộc đàm phán có thể tiếp tục như kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rút quân đội Israel khỏi biên giới Gaza với Ai Cập như một phần của giai đoạn đầu thỏa thuận ngừng bắn.
Trang mạng Axios dẫn lời một số quan chức Israel cho biết, Thủ tướng Netanyahu đã chấp nhận một phần yêu cầu của Tổng thống Biden và đồng ý rút quân đội Israel khỏi một vị trí ở biên giới Ai Cập-Gaza.
Về phía phong trào Hamas, quan chức cấp cao của lực lượng này, ông Hossam Badran cho rằng, việc Thủ tướng Netanyahu kiên quyết yêu cầu quân đội Israel duy trì sự hiện diện tại dải đất dọc biên giới Gaza-Ai Cập là sự từ chối đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Trong khi đó, tình hình trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 23/8, bạo lực diễn ra dữ dội ở cả phía bắc, miền trung và phía nam Gaza. Liên hợp quốc cho biết, hàng chục nghìn dân thường đã tiếp tục di dời từ vùng Deir el-Balah và thành phố Khan Yunis ở phía nam Gaza sau lệnh sơ tán của Israel.
Cũng theo Liên hợp quốc, chiến tranh đã buộc hầu như toàn bộ dân số Gaza phải di dời nhiều lần, khiến họ không có nơi trú ẩn, nước sạch, cũng như các nhu yếu phẩm khác khi dịch bệnh lây lan.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, lực lượng hải quân của CENTCOM đã đánh chặn ba thiết bị bay không người lái mang theo bom được phóng từ một khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen. Trước đó, lực lượng Houthi đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công nhằm vào một tàu chở hàng ở Vịnh Aden và 1 tàu chở dầu ở Biển Đỏ.
Cùng ngày, tân Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araghchi tuyên bố, chính phủ mới thành lập của nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Syria và Liban. Phát biểu này được ông Araghchi đưa ra trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp của Syria và của Liban.
Cùng ngày, tân Bộ trưởng Ngoại giao Iran điện đàm với người đồng cấp Anh và Pháp, khẳng định Iran có quyền đáp trả Israel liên quan vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi cuối tháng 7 vừa qua.