Quy trách nhiệm cụ thể trong cải tạo chung cư cũ

NDO - Ngày 29/3, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện hiện chính sách pháp luật trong quản lý, vận hành và cải tạo xây lại chung cư trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc, nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được các doanh nghiệp phản ánh.
0:00 / 0:00
0:00
Chung cư cũ cấp D tại địa chỉ 128 Hai Bà Trưng, quận 1.
Chung cư cũ cấp D tại địa chỉ 128 Hai Bà Trưng, quận 1.

Hơn 10 năm chưa xong thủ tục giao đất

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bảo Tùng, Giám đốc pháp lý và phát triển dự án Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình, chủ đầu tư dự án xây dựng mới chung cư cũ 350 Hoàng Văn Thụ cho biết, năm 2016, hưởng ứng sự mời gọi đầu tư của thành phố, công ty ông đã tiến hành bồi thường để di dời 137 hộ dân, bố trí tạm cư cho 20 hộ dân tại chung cư cũ 350 Hoàng Văn Thụ.

Tiếp đó, công ty đã dồn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục như: thủ tục chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư; hoàn tất tháo dỡ công trình cũ, chuẩn bị mặt bằng; đầu tư hạ tầng, nâng cấp giao thông kết nối khu vực; phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, thẩm định thiết kế thi công; thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, bố trí, chi trả chi phí tiền tạm cư cho người dân…

Thế nhưng đến nay, sau 13 năm với hàng trăm cuộc họp, viết hàng chục đơn cầu cứu khắp nơi, doanh nghiệp vẫn chưa được thành phố giao đất để thực hiện dự án mà không biết lý do, không biết lỗi của doanh nghiệp là gì. Theo ông Tùng, vì dự án không thể triển khai đã khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn, người dân bất bình vì phải tạm cư hơn 7 năm trời (theo cam kết chỉ 2 năm) mà chưa biết khi nào dự án xây xong để nhận nhà tái định cư. Đến nay, công ty đã cạn kiệt nguồn lực để chi trả tiền tạm cư cho người dân.

Đồng cảnh ngộ, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vĩnh Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Soái Kình Lâm cho biết, từ năm 2002 đến nay, công ty đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường nhằm di dời 125 căn hộ đã hư hỏng, xuống cấp tại chung cư cũ Soái Kình Lâm (phường 14, quận 5). Năm 2008, dự án hoàn tất công tác bồi thường. Năm 2011 khi dự án Trung tâm thương mại và chung cư Soái Kình Lâm (thay thế chung cư cũ) đã xây dựng xong 2 tầng hầm thì phải ngưng xây dựng.

Đến nay sau 12 năm, dự án vẫn chưa được gỡ vướng về các thủ tục như: tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư… để tiếp tục xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.

Quy trách nhiệm cụ thể nếu làm chậm cải tạo chung cư cũ

Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ tại Thành phố đang gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975. Thành phố đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỷ đồng. Hiện, có 16 chung cư cấp D, đã hư hỏng nặng, nguy hiểm nhưng chưa thể xây mới. Công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế chung cư cũ chỉ dừng lại ở việc di dời, tạm cư người dân để bảo đảm an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Theo ông Cường, hiện nay những quy định của pháp luật về nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với quy định pháp luật khác nên khi triển khai đã gặp vướng mắc. Do vậy, qua buổi làm việc với Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Thành phố mong muốn làm rõ được những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Từ đó kiến nghị Quốc hội tập trung sửa đổi quy định của Luật nhà ở và một số luật khác có liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn đã làm việc với nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác vận hành, sửa chữa, cải tạo nhà chung cư trên địa bàn Thành phố và nhận nhiều phản ánh khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp có đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Nhà ở. Sau buổi làm việc này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ngay báo cáo cụ thể, nêu rõ những khó khăn vướng mắc mà thành phố gặp phải trong quá trình cải tạo chung cư cũ. Trong báo cáo phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, vận hành và cải tạo xây lại chung cư trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, 16 dự án chung cư cũ cấp D đang gặp những khó khăn về công tác bồi thường đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và việc không xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư. Sở Xây dựng kiến nghị đối với phần diện tích nhà và đất mà Nhà nước chưa phân bổ vào giá bán khi bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, gồm diện tích sở hữu chung (hành lang, cầu thang, lối đi chung…) và diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung (đất khuôn viên, sân chung) thì cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án bổ sung để chủ đầu tư bồi thường cho Nhà nước theo quy định.

Đối với nhóm chung cư vướng mắc về việc không xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý là Nhà nước sẽ tổ chức di dân, bố trí tái định cư cho người dân tại các điểm khác nhau bằng nguồn vốn đầu tư công, vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch, chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức bán đấu giá theo quy định.