"Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm"

NDO - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quan điểm mới và quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp sáng 7/1. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp sáng 7/1. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cần thiết, cấp bách

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, báo cáo quy hoạch là một công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học, với 41 hợp phần, với gần 7.000 trang tài liệu, huy động sự tham gia của gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu tham gia với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch.

Báo cáo quy hoạch là một công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học, với 41 hợp phần, với gần 7.000 trang tài liệu, huy động sự tham gia của gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu tham gia với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong suốt 2 năm qua, các cơ quan hữu quan đã tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo với một phương pháp tiếp cận hết sức mới, hiện đại, bảo đảm các thông lệ tốt của quốc tế phù hợp với các xu thế vận động và các xu hướng mới hiện nay cũng như các nghị quyết của Trung ương Đảng về các vùng, về các địa phương, về các ngành và lĩnh vực đã ban hành.

Nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, đây là nhiệm vụ mới và khó, lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp nên chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng không nhiều do thể chế chính trị ở mỗi nước khác nhau, điều kiện và trình độ phát triển cũng khác nhau nên khó có thể áp mô hình của nước này vào nước kia.

"Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm" ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường sáng 7/1. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Chủ yếu là học tập những kinh nghiệm tốt, vận dụng vào các điều kiện cụ thể của nước ta, theo phương châm là làm sao chúng ta phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số nội dung để chúng ta tiến nhanh và thu hẹp được khoảng cách phát triển” - Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh sự cần thiết, tính cấp bách của việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là cơ sở quan trọng để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác cũng như thu hút đầu tư để đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã bảo đảm tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình xây dựng Quy hoạch cũng đã bám sát tinh thần của Luật Quy hoạch xác định: quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước, phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng.

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn, tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Sẽ xem xét bổ sung các vùng động lực mới chứ không bó hẹp

Về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng nêu rõ, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

Theo đó, giai đoạn trước 2030, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm quan tâm về các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

"Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm" ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay thì việc lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế, sẽ xác định ra 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng như trong báo cáo đã đề ra, ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa nhiều hơn cho cả vùng chung quanh và cho cả nước.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp.

Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về các hành lang kinh tế, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hình thành các hành lang kinh tế nhằm tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước, các hành lang giao thông này đã có và sẽ trở thành các hành lang trọng điểm kinh tế. Các hành lang kinh tế được lựa chọn gắn với cả các tuyến giao thông đường bộ, cao tốc, đường sắt, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, các cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế từ đầu mối giao thương lớn và ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế với vùng động lực của quốc gia, các hành lang kinh tế kết nối với hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế, có sự tính toán và gắn kết với các hành lang của khu vực và quốc tế.

Liên quan tính khả thi cũng như nguồn lực và kịch bản của mục tiêu phát triển, Bộ trưởng nêu rõ, kịch bản lựa chọn đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động cũng như cân đối các nguồn lực, phù hợp với thực tiễn cũng như đáp ứng được yêu cầu phát triển và đã bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra đến năm 2030 và đến năm 2050.

Dự kiến nguồn lực để thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương ứng với cả 35% GDP, thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực, từ nguồn lực của Nhà nước đến đầu tư tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các nguồn lực của nước ngoài.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để bảo đảm tính khả thi kịch bản, phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra.