Kỳ họp bất thường lần thứ nhất tổ chức vào đầu tháng 1/2022, với một số vấn đề cấp bách không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Trong đó, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển đổi số; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước; thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai… kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra đầu năm 2023 được chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận, nhất là báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.
Với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ tư, như dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo lắng nghe với tinh thần cầu thị, cẩn trọng; tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội.
Có thể nhận thấy, điểm nhấn quan trọng trong các kỳ họp bất thường là việc Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung có tính thời sự (nhân sự); cấp bách (điều chỉnh ngân sách); quan trọng, cần được giải quyết ngay để làm tiền đề cho nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội (Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), hoặc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang là rào cản cho sự phát triển Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua sẽ từng bước tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của ngành y tế như giá viện phí, phân tuyến kỹ thuật, vấn đề xã hội hóa... Đây sẽ là động lực để ngành y tế tiếp tục phát triển, có những đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bộ khung cho các quy hoạch khác, là căn cứ để xác định các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư lớn trong thời gian tới. Đây cũng là phương hướng, cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Năm 2023 đã và đang đặt ra cho đất nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề, khó khăn với không ít trở ngại chủ quan và khách quan.
Đảng ta, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất; tăng cường hoàn thiện thể chế; kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới…
Đồng thời coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; cùng với đó là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bên cạnh đó, cả nước sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Các kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ trở thành những hoạt động bình thường nhằm tham gia thực hiện tốt những mục tiêu quan trọng nêu trên. Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tế đa dạng, phong phú của cuộc sống.
Các kỳ họp bất thường của Quốc hội đã thể hiện rõ sự linh hoạt và nỗ lực của Chính phủ, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội phải cố gắng, nỗ lực trong việc trình, tổng hợp, nghiên cứu tài liệu để có những ý kiến đóng góp xác đáng.
Bên cạnh đó, tinh thần và kết quả của Kỳ họp tiếp tục tạo ra những khí thế mới cùng các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn để không ngừng phát triển…