Quy định có 1 F0, cả lớp phải xét nghiệm “gây khó” cho trường học

NDO -

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi phát hiện F0, cả lớp học đó sẽ phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, thực tế, các trường cho rằng: Cách làm trên chưa thực sự sát và gây lãng phí.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chỉ nên xét nghiệm theo nhóm

Ngày 21/2, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 796/BYT-MT về việc Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Theo công văn này, khi phát hiện trường hợp F0 trong cơ sở giáo dục, cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ chỉ đạo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phải tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho toàn bộ học sinh lớp đó.

Tuy nhiên thực tế, theo khảo sát nhanh của phóng viên Báo Nhân Dân, nhiều trường trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đang áp dụng việc test nhanh theo nhóm nguy cơ. Hiệu trưởng một số cơ sở giáo dục nhận định: Cách làm này sẽ giúp giảm chi phí, thời gian cũng như vẫn bảo đảm độ chính xác.

Cụ thể, cô M. - Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện trường cô đang áp dụng Công văn số 21306/HDLN-YT-GDDT hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch Covid-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) do Liên sở Y tế-Giáo dục và đào tạo Hà Nội ban hành ngày 3/12/2021.

“Theo hướng dẫn này, khi phát hiện F0 tại trường học, chúng tôi sẽ phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0, bao gồm học sinh, cán bộ, giáo viên đồng thời phối hợp với ngành y tế truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như cộng đồng”.

Người đứng đầu trường này cho biết thêm: Theo hướng dẫn liên sở, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ căn cứ vào tình hình dịch tễ. Việc lấy mẫu có thể tiến hành theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo tầng học.

Cũng theo cô M., thực tế, nhiều trường tại Hà Nội căn cứ theo hướng dẫn này để lên phương án phòng, chống Covid-19.

“Như trường con trai tôi học, khi một bạn trong lớp được xác định là F0, giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ khoanh vùng để test nhanh. Các cháu cùng lớp sẽ được nhà trường thông báo cho phụ huynh đón về và theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi tiến hành các biện pháp tiếp theo”, cô M. nói.

Tại trường Trung học phổ thông Bất Bạt (huyện Ba Vì, Hà Nội), thầy Hoàng Châu Tuấn-Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Hiện trường này vẫn đang áp dụng hướng dẫn liên sở số 21306/HDLN-YT-GDDT.

“Việc xét nghiệm rộng cả lớp sẽ gây khó khăn cho các trường về cả thời gian lẫn chi phí. Theo tôi, xét nghiệm khoang vùng như hướng dẫn trước đó là hợp lý”, thầy Tuấn chia sẻ quan điểm.

Thông tin thêm, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bất Bạt cho biết: Hiện do số lượng F0 tăng nhanh trong cả học sinh và giáo viên nên nhà trường đã quyết định chuyển sang hình thức học trực tuyến để bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quý Xuân-Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) lại cho rằng: Nếu áp dụng được việc test nhanh cho toàn bộ  lớp học xuất hiện F0 thì sẽ là… lý tưởng nhất.

“Nếu như có điều kiện trong trường hợp nhà trường đủ test nhanh, chúng tôi sẽ tiến hành theo phương án này để bảo đảm an toàn cho các cháu”, thầy Xuân nói.

Tuy nhiên, theo thầy Xuân, hướng dẫn trên “trái với quy định về F”.

“Trước hết phải tìm hiểu về đối tượng F1 là những cháu tiếp xúc gần. Những trường hợp này sẽ tiến hành test nhanh. Đối với học sinh không tiếp xúc gần thì chúng tôi sẽ tạm thời cho về nhà để theo dõi thêm”, thầy Xuân chia sẻ.

Tùy điều kiện của lớp học để test nhanh trường hợp tiếp xúc F0

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết, quy định Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có cơ sở khoa học và thực tiễn vì lớp học là môi trường nguy cơ cao lây nhiễm.

Tuy nhiên, hiện nay nếu phát hiện F0 trong lớp mà phải xét nghiệm cả lớp rất tốn kém và kết quả chưa phản ánh đúng thực tế.

“Nếu phát hiện được F0 mà không biết được nguồn lây và thời gian lây thì nên xét nghiệm các F1 ngay. Còn khi các trường hợp gọi là F1 mà mới tiếp xúc với F0 thì chưa cần xét nghiệm ngay vì một người sau khi nhiễm virus phải ít nhất 2-3 ngày sau khi nhiễm xét nghiệm mới có khả năng cho kết quả dương tính. Khi đó, việc xét nghiệm các trường hợp liên quan mới có kết quả đúng”, ông Phu nói.

Do đó, ông Phu cho rằng, việc xét nghiệm cả lớp theo quy định là chưa phù hợp mà việc quyết định xét nghiệm những đối tượng nào, cơ quan dịch tễ phải chỉ định cho đúng.

“Cơ quan dịch tễ sẽ không thay đổi chỉ định xét nghiệm dịch tễ các trường hợp F0, sốt ho khó thở… nghi ngờ F0, trường hợp F1 tiếp xúc F0. Tuy nhiên, cơ quan dịch tễ cũng cần có biện pháp chỉ định xét nghiệm dựa trên các yếu tố: lớp học có thoáng không, các trường hợp tiếp xúc gần với F0 như thế nào thì được tính là F1, nghĩa là chỉ định các trường hợp là F1 cho đúng để xét nghiệm”, ông Phu nhấn mạnh.

Đến trường an toàn trong đại dịch