Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung như: phương pháp định giá đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập, lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai, trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó, cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật các nguyên tắc cũng như phương pháp định giá đất để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bảo đảm thực chất, tránh chuyện lấy ý kiến cho có, hình thức.
“Nếu như không đạt được tỷ lệ 100% đồng ý thì bao nhiêu % có thể ra được quyết định. Trong trường hợp người dân không đồng ý thì trường hợp nào xác định là đồng thuận và không đồng thuận?…”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Cần quy định cụ thể phương pháp xác định giá đất trong Luật Đất đai
Cho rằng việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là khó tránh khỏi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định về nguyên tắc và các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi không cần thiết, tùy tiện.
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cơ chế để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng không nên quy định cấp huyện phải làm kế hoạch sử dụng đất hằng năm bởi điều này gây lãng phí lớn cho ngân sách và thời gian cho địa phương, tạo ra các thủ tục hành chính không đáng có.