Quảng Trị thiếu lao động chất lượng cao, thừa lao động chất lượng thấp

NDO - Sáng 23/12, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại học Kinh tế Huế tổ chức hội thảo “Thông tin và Kết nối nguồn nhân lực Quảng Trị năm 2022”. 
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: QUANG HUY)
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: QUANG HUY)

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, tỉnh này đang có những bước tiến hết sức mạnh mẽ và tích cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, các dự án đầu tư lớn đang được khẩn trương triển khai, có những dự án lớn nhất từ trước đến nay. Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới, đặc biệt là các dự án giao thông, sân bay, cảng biển, năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp có giá trị cao....

Thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Để đạt được mục tiêu tổng quát này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp then chốt hàng đầu. Chỉ tiêu đặt ra cụ thể đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030 là 85-90%, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tân thừa nhận, tại Quảng Trị thị trường lao động chưa hình thành rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều biến động về nhu cầu sử dụng lao động do xuất hiện các dự án trọng điểm, đầu tư mới trên địa bàn. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư tại Quảng Trị đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động phục vụ dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nhu cầu sử dụng nguồn lao động lớn, đòi hỏi có trình độ năng lực. Đây là một khó khăn, áp lực cho chương trình kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án lớn ở Quảng Trị đều có chung nhận định Quảng Trị đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã liên hệ với nhiều kênh tuyển dụng, trung tâm giới thiệu việc làm nhưng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn với các ngành xây dựng (điện, xử lý nước thải, cấp nước, cảnh quan…), môi trường, nhân sự, tài chính, pháp lý, marketing, dịch vụ khách hàng…

Quảng Trị thiếu lao động chất lượng cao, thừa lao động chất lượng thấp ảnh 1

Quảng Trị cần nhiều lao động có tay nghề cao. (Ảnh: QUANG HUY)

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu của Trường đại học kinh tế Huế chỉ ra chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Trị thấp. Tại thời điểm 2019 có 77% lao động chưa qua đào tạo. Nguồn lực lao động có tăng về số lượng. Nếu năm 2015 số lượng lao động trong độ tuổi theo quy định đang làm việc trong các ngành kinh tế số lượng hơn 281 nghìn người thì năm 2019 lên hơn 340 nghìn người (tăng 1,2 lần và chiếm gần 54% dân số của tỉnh).

Tuy nhiên, tình trạng di cư lao động địa phương đến các thị trường ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng, tạo ra nguy cơ sụt giảm lượng cung lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật tay nghề cao. Trong khi tỷ suất di cư chung của khu vực miền trung là -4,9% thì của Quảng Trị -7,3%. Kết quả này là sự thách thức không nhỏ đối với Quảng Trị trong việc giữ chân người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật tay nghề cao; dẫn đến nghịch lý Quảng Trị có nguy cơ thừa lao động chất lượng thấp, nhưng thiếu lao động động có chất lượng cao đáp ứng cho các doanh nghiệp nếu như các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh sớm đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Dự báo nhu cầu lao động của Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 tăng trưởng khoảng 1,35%, tương ứng mức tăng trưởng kinh tế 7,28%, tương đương với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% được đặt ra trong Nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025.

Qua các phân tích, thảo luận tại hội thảo cho thấy, nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ở Quảng Trị đến năm 2025 ước khoảng hơn 63 nghìn người. So với số lao động của năm 2019 thì nhu cầu tăng thêm trong các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị khoảng hơn 25 nghìn người, tỷ trọng lao động doanh nghiệp chiếm trong tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế tỉnh sẽ tăng từ 9% ở năm 2019 đến 16,7% của năm 2025. Ước tính,tốc độ tăng trưởng lao động bình quân thời kỳ 2020-2025 khoảng 9%.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng lao động của Quảng Trị chưa cao. Tỉnh có 2 cơ sở đào tạo thực hiện chức năng cung ứng đào tạo nghề và đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại địa phương và các tỉnh miền trung, là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các cơ sở đào tạo này chưa cao, trong số 23 tiêu chí thuộc tính chất đào tạo, chỉ có 3 tiêu chí đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng hoan nghênh Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh kịp thời tổ chức được hội thảo rất có ý nghĩa, nhận diện được thực trạng chất lượng nguồn lực lao động của Quảng Trị để tìm hướng kết nối đào tạo lao động có tay nghề cao, kịp thời cung cấp nguồn lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thời gian tới.

Nguồn lực lao động của tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào quá trình tăng trưởng kinh tế địa phương, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên sức sản xuất của nền kinh tế còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao do chất lượng lao động đang thấp.

Dự báo ngoài đầu tư công, nhu cầu huy động vốn đầu tư giai đoạn 2022-2025 thu hút khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 thu hút khoảng hơn 160 đến 216 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 54 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ-du lịch, y tế, giáo dục… Vì vậy, giai đoạn này cần một lực lượng rất lớn lao động có tay nghề cao, chất lượng tốt.

Để kịp thời cung ứng nguồn cung lao động có tay nghề và chất lượng cao, phục vụ kịp thời quá trình phát triển của tỉnh, đồng chí Võ Văn Hưng đặt hàng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề. Cần tổ chức tốt cơ chế phối hợp 3 bên Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp để đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Chương trình đào tạo phù hợp để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Ngoài đào tạo chuyên môn cần chú ý đào tạo ngoại ngữ cho các lao động. Đây là xu hướng phát triển của thời đại…