Đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Công nghiệp công nghệ cao được thành phố Hồ Chí Minh định hướng trở thành ngành kinh tế làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn lực về trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, tự động hóa, chuyển đổi số… đã cản trở rất lớn đến mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

Vi mạch bán dẫn được trưng bày tại Phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).
Vi mạch bán dẫn được trưng bày tại Phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).

Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) là một trong những đơn vị có chức năng đào tạo lao động chất lượng cao để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghệ 4.0. Mới đây, SHTP ra mắt Trung tâm Hợp tác đào tạo Việt-Hàn (VKTCC), mô hình đào tạo thích nghi, phát triển và cung ứng nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

VKTCC ra đời trên cơ sở thống nhất hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (trực thuộc SHTP) với Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh (CSID) và các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc. VKTCC hướng đến là một trong những mô hình đào tạo có uy tín tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và đa dạng về nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp đang hoạt động trong và ngoài SHTP, qua đó, góp phần cho sự thành công của Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới; là nước có nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong hơn 20 năm qua với các dự án đầu tư hiện đại, trong đó có các nhà máy Samsung tại SHTP. Từ các tiền đề nêu trên, SHTP kỳ vọng VKTCC trở thành một trong những mô hình đào tạo có uy tín trong tương lai, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và đa dạng về nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn Hàn Quốc cho doanh nghiệp công nghệ cao. Hiệu quả từ hoạt động của VKTCC sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, giúp chuẩn hóa năng lực chuyên môn của người lao động, tăng năng suất lao động.

VKTCC sẽ liên kết với các đối tác Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm đào tạo cung ứng nhân lực chất lượng cao tập trung vào các lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, chuyển đổi số và nhà máy sản xuất thông minh. Đây là những công nghệ nền tảng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. VKTCC còn tư vấn, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Hàn Quốc nhằm tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam, dần thu hẹp khoảng cách khoa học-công nghệ giữa hai nước...

Trước đó, để đào tạo chuyên sâu đáp ứng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn cho doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (trực thuộc Ban quản lý SHTP) ra mắt Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam-Hàn Quốc trong khuôn viên AI Innovation Hub (Trung tâm Ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo). Hoạt động chủ yếu của trung tâm là triển khai đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật thiết kế vi mạch và hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Trưởng ban SHTP, từ kinh nghiệm của SHTP thu hút hàng chục nhà đầu tư lớn về ngành vi mạch bán dẫn như tập đoàn Intel, nguồn nhân lực về ngành điện tử vi mạch là rất tốt. Nếu Việt Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh - địa phương phát triển mạnh về khoa học-công nghệ, không chuẩn bị nguồn nhân lực từ sớm thì sẽ khó theo kịp đà phát triển chung của thế giới và dần tụt hậu.

Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 mà thành phố đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển. Trong phát triển công nghiệp vi mạch và các ngành công nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố quyết định, nên phải tập trung đầu tư phát triển. Sự hình thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam-Hàn Quốc đang gieo mầm cho đào tạo nguồn nhân lực lớn hơn.

Sau khi triển khai thí điểm thành công, SHTP sẽ tính toán hợp tác rộng hơn với Hiệp hội bán dẫn Hàn Quốc để nâng quy mô và hướng đến hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vi mạch bán dẫn. Nơi đây sẽ làm đầu mối kết nối tất cả các bên liên quan để triển khai những sáng kiến, chương trình hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp…, qua đó, có thể tạo ra hệ sinh thái đủ lớn để phát triển vi mạch bán dẫn một cách bền vững trong thời gian tới…