Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh luôn xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Đây được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thông tin trên được đưa ra tại lễ công bố Báo cáo thường niên PCI 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội.
Chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm
Theo đó, tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên xếp ở vị trí "á quân" trong bảng xếp hạng PCI 2022, với điểm số 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc so với PCI 2021.
Tiếp theo là Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 với số điểm đạt 70,76, tụt 1 bậc so PCI 2021; vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với số điểm đạt 70,26 và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt trong tốp 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI.
Tốp 30 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2022. |
Đứng vị trí thứ năm trong tốp đầu bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đây cũng là một tên tuổi quen thuộc trong tốp 5 của PCI suốt từ năm 2007 đến nay, khi đã có 16 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương về chất lượng điều hành.
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong tốp 10 PCI 2022 lần lượt là các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An. Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong tốp 10 PCI 2021.
Lãnh đạo tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2022. |
PCI 2022 không ghi nhận TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong tốp 10 PCI. Theo đó, Hà Nội đứng thứ 20 (tụt 10 bậc), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 27 (tụt 13 bậc) trong danh sách 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. Trong PCI 2021, TP Hà Nội đứng thứ 10 và TP Hồ Chí Minh ở vị trí 14/63.
Thông tin tại buổi lễ, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho biết, tình trạng chi trả chi phí không chính thức của các doanh nghiệp tư nhân đã giảm đáng kể trong giai đoạn năm 2016-2022, từ 68% (năm 2016) xuống còn hơn 42% (năm 2022); quy mô chi phí không chính thức cũng giảm từ 8,1% (năm 2016) xuống còn 3,8% (năm 2022).
Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm theo các năm. |
Song, theo ông Đậu Anh Tuấn, từ kết quả khảo sát PCI 2022 đang cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Đáng nói, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp.
Tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%, đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, 42,9% doanh nghiệp vẫn đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021 và đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.
Ngoài ra, trở ngại lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp cũng được ông Tuấn chỉ ra đó là, không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4% doanh nghiệp).
Cụ thể, năm 2022 so với năm 2021, vấn đề "các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân" (tăng mạnh từ 41,8% lên 58,7% ); "thủ tục vay vốn phiền hà" (tăng từ 46,2% lên 58,6%); tình trạng "doanh nghiệp phải bồi dưỡng cho cán bộ tín dụng để vay vốn" (tăng từ 37,3% lên 55,8%) và "cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp" (tăng gần gấp đôi từ 27,4% lên 49,8%).
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng chỉ ra các điểm chưa được như kỳ vọng trong PCI 2022 đó là: tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính; các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí; chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. |
Bên cạnh đó, như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và đang là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Những vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai lại đang thường xuyên bị kéo dài hơn so với quy định.
Dù còn nhiều điểm chưa được như kỳ vọng, nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn thì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây. Ngoài ra, việc cải thiện những chỉ số PCI cũng luôn được các địa phương coi trọng thực hiện.
Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Còn nhiều dư địa cải cách môi trường kinh doanh
Những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông,...
Hành trình chinh phục đỉnh cao PCI của Quảng Ninh trong suốt những năm qua được đánh giá đã trở thành thương hiệu về một "điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công".
Phát biểu tại buổi lễ công bố PCI 2022, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh vui mừng, vinh dự và tự hào khi Quảng Ninh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương khi là địa phương duy nhất 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí "quán quân" PCI.
Quảng Ninh 6 năm liên tiếp giữ vị trí "quán quân" trong bảng xếp hạng PCI. |
Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Do đó, trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được.
Lãnh đạo Quảng Ninh luôn chủ động nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, cũng như những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp gặp phải để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy "chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ".
Đồng thời, Quảng Ninh mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Quảng Ninh sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh
Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu cho rằng, dư địa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở các địa phương vẫn còn rất nhiều. Bảng xếp hạng PCI hàng năm vừa là động lực, cũng vừa là áp lực thôi thúc các địa phương trong việc nâng cao năng lực điều hành kinh tế-xã hội nhằm cạnh tranh nhau về thứ hạng.
Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu. |
Những nỗ lực cải cách của các địa phương thời gian qua đã đem lại nhiều thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Song, xu hướng cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nặng tính hình thức, tình trạng "cài cắm" điều kiện kinh doanh ban hành vẫn còn nhiều,...
Mặc dù lãnh đạo cấp cao nhất ở địa phương rất quyết tâm và bằng nhiều nỗ lực trong điều hành để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng đâu đó ở cấp sở, ngành cũng đang còn nhiều vấn đề hạn chế trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân như: né tránh trách nhiệm, "đá bóng" vấn đề, còn "cát cứ" trong lĩnh vực quản lý của mình.
Vì vậy, theo ông Hiệu, thời gian tới, các sở, ngành, cấp địa phương cần chú trọng hơn nữa trong việc đơn giản hóa, tạo minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách; khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như tăng cường hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.
Bởi, PCI chính là bộ chỉ số của hành động, thúc đẩy hành động thực chất ở chính quyền các địa phương, là cơ sở để nhìn lại những kết quả được và chưa được, từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ báo cáo PCI 2022 có thể thấy, chính quyền các địa phương vẫn cần tiếp tục cải cách, để thật sự trở thành “bệ đỡ” cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển, gia tăng quy mô sản xuất, có thêm nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Năm đầu tiên có Chỉ số Xanh cấp tỉnh
Trong báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số PGI.
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Tốp 3 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI dẫn đầu tại Việt Nam. |
Kết quả công bố PGI năm đầu tiên cho thấy, 5 tỉnh có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng PGI lần lượt gồm: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số PGI, VCCI và USAID mong muốn, cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn tại Việt Nam.
Báo cáo PCI 2022 là ấn phẩm thường niên năm thứ 18 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
PCI 2022 là "tập hợp tiếng nói" của 12 nghìn doanh nghiệp trong nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thông qua 10 chỉ số thành phần gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.