Được ban hành trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Nghị quyết 02/NQ-CP đã kế thừa nhiều nội dung và tinh thần của những năm trước, nhưng có bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm tiếp lửa cải cách, hỗ trợ cần thiết cho Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
Xử lý tận gốc
Nghị quyết đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập;
giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó có yêu cầu tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần...
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra hai điểm mới của Nghị quyết 02 mà ông tâm đắc. Đó là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, khác biệt và mâu thuẫn của các quy định trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các Nghị quyết trước đây chủ yếu yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh nên chỉ là cắt ngọn. Còn lần này nêu rõ yêu cầu cắt giảm danh mục, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức là cắt tận gốc.
Đồng thời các nhóm giải pháp cũng được đặt ra một cách trọng tâm và chi tiết hơn. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát để cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; thu hẹp phạm vi một số ngành nghề, đưa một số ngành nghề ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Việc thực hiện đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng sẽ phải hoàn thành trong năm 2023. “Khi không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điều kiện kinh doanh ngành nghề đó cũng tự mất đi. Đây là cách tiếp cận tốt nhưng sẽ khó làm”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), Nghị quyết 02 đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện những chỉ số Việt Nam đang có điểm số thấp, những yếu tố phù hợp cho giai đoạn đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra sự phát triển và sáng tạo cho nền kinh tế. Đồng thời đề ra những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho địa phương thông qua cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy cao hơn nhằm đạt được cùng mức với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với việc dỡ bỏ những rào cản về đầu tư, kinh doanh và chú trọng vào những nhóm vấn đề, lĩnh vực giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng…, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ có những thay đổi cần thiết để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế.
Quan trọng là triển khai thực hiện
Cảm nhận về sự chững lại của cải thiện môi trường kinh doanh rất rõ nét trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua. Những khó khăn chưa từng có mà nền kinh tế phải đối mặt, lẽ ra là cơ hội để đẩy mạnh cải cách, nhưng đáng tiếc các địa phương lại thiếu nhất quán trong công tác điều hành, thực hiện giãn cách kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đứt gãy. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều ghi nhận một điểm chung về mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong hơn một năm đương đầu với đại dịch. Đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong các chính sách; công minh và thái độ thân thiện của cán bộ cấp thực thi. Các doanh nghiệp cho rằng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính là giải pháp bền vững, dài hạn và cũng có tác dụng như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường.
Nhưng trong thực tế không dễ để đạt được sự hỗ trợ này. Đơn cử như trong thời gian góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp đã năm lần gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ mong muốn được đối thoại vì một số nội dung góp ý chưa nhận được phản hồi của cơ quan soạn thảo hoặc chưa được tiếp thu, chỉnh sửa để có tính khả thi cao, phù hợp với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Với sự kiên trì của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, tiếp thu, đặc biệt là việc bỏ quy định thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm của nhà sản xuất) do không có cơ sở pháp lý. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc chia sẻ, doanh nghiệp mong mỏi điều này từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền.
Cải cách là một hành trình gian khó. Chính vì vậy, mối băn khoăn lớn của TS Nguyễn Đình Cung là Nghị quyết 02/NQ-CP đã được ban hành kịp thời với những mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, nhưng điều quan trọng nhất là sẽ được triển khai thế nào để đạt được kết quả cao nhất, vì việc thực hiện Nghị quyết 02 lần này sẽ rất cam go khi đụng vào lĩnh vực là lãnh địa của cơ chế “xin-cho”. Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Qua tám năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Song cải cách đang có dấu hiệu chững lại. Từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
“Trước đây, chúng ta đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả tốt. Một là do giải pháp không trúng, hai là thiếu cụ thể, thiếu người chủ trì. Không có áp lực hành chính của Thủ tướng Chính phủ, không có áp lực từ dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp thì không bao giờ có cải cách trong bộ máy hành chính. Điều mong mỏi của giới chuyên gia và doanh nghiệp hiện nay để Nghị quyết 02 thực hiện được tốt là Chính phủ sớm tổ chức hội nghị, hội thảo khởi động việc thực hiện nghị quyết. Quan trọng nhất là cần có một người, có thượng phương bảo kiếm để triển khai Nghị quyết một cách rốt ráo. Nghị quyết chỉ sống được khi phát sinh các sự kiện, vấn đề, được theo dõi, giám sát và báo cáo liên tục”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
TÔ HÀ