Quảng Ninh 5 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI

NDO -

Ngày 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021). Đây là hoạt động thường niên dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).

Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranhh cấp tỉnh.
Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranhh cấp tỉnh.

Theo kết quả PCI 2021, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm nay và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng với số điểm đánh giá Y73,02, giảm gần 3 điểm so với năm 2020. Tỉnh này đứng đầu chỉ số gia nhập thị trường (7,98 điểm) và chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm). Đây cũng là địa phương duy nhất được xếp ở nhóm "rất tốt" vì đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Trong điều tra PCI 2021, các doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đánh giá "tốt" và "rất tốt" về ứng phó của chính quyền địa phương trước dịch Covid-19. Đây là một trong số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước. Năm 2021, Quảng Ninh thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh năm ngoái tăng 10,28%. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 7.614 USD, đứng thứ hai cả nước. Lần này cũng đánh dấu năm đầu Hải Phòng vươn lên vị trí thứ hai, với 70,61 điểm (tăng 1,34 điểm so với năm 2020) trong bảng xếp hạng PCI sau nhiều năm trong top 10.

Riêng TP Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ 14, nằm ở "nhóm khá". Đây là năm thứ 2 thành phố ở nhóm này, với 67,5 điểm. Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh năm nay ghi nhận mức cải thiện tốt nhất trong số các chỉ số đánh giá của PCI, với 8,54 điểm (tăng gần 2 điểm so với 2020). Tuy nhiên, các chỉ số về gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng hay đào tạo lao động... của thành phố lại chưa có nhiều cải thiện, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại đây.

Đánh giá về những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, cách thức ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp chống dịch do chính quyền địa phương triển khai, đại diện VCCI cho rằng các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu, khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.

PCI là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh... Chỉ số này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương. PCI được xây dựng từ năm 2005 và đến nay đã qua 17 năm công bố.