Đáng chú ý là việc thông qua quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.
Các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao dần hình thành tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là lĩnh vực du lịch. Các mô hình về nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần được nhân rộng. Tỷ lệ đô thị hóa được nâng cao với cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh dần được hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục được chú trọng và đạt được các chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn.
Quang cảnh kỳ họp |
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển; hệ thống đô thị thông minh, hiện đại và hệ thống nông thôn phát triển đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hệ thống mạng lưới phát triển khoa học như các trung tâm nghiên cứu và phát triển (đặc biệt là về các lĩnh vực dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, v.v.), trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các cộng đồng nghiên cứu khoa học dần được hình thành trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, con người Quảng Ngãi, trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Chú trọng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội; bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Về không gian phát triển, Quảng Ngãi phân chia 6 vùng kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp của tỉnh; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo.
Đồng thời, xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền trung; khu du lịch đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển- đảo quốc gia.
Ba trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận); trung tâm đô thị phía bắc (thị xã Bình Sơn và khu vực lân cận); trung tâm đô thị phía nam (thị xã Đức phổ và vùng phụ cận).
Tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh qua 4 hành lang kinh tế, cụ thể: hành lang kinh tế bắc nam (Dung Quất-thành phố Quảng Ngãi-Sa Huỳnh); hành lang đông tây phía bắc (Lý Sơn-Dung Quất-Trà Bồng-Trà My dọc quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khẩu Nam Giang); hành lang đông tây phía nam (dọc quốc lộ 24 Sa Huỳnh-Ba Tơ-Bờ Y); hành lang kinh tế kết nối nội tỉnh, dọc theo tỉnh lộ 622, 626 và quốc lộ 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
Khi quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là công cụ quan trọng giúp tỉnh định hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương cụ thể hóa để bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ; công khai, minh bạch các nghị quyết và văn bản tổ chức thực hiện để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Đồng thời, đề nghị các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tuyên truyền phổ biến các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, các chủ trương, chính sách đến với cử tri và nhân dân thông qua các buổi tiếp xúc cử tri; nêu cao trách nhiệm trước cử tri, thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các Ban và của người đại biểu nhân dân để bảo đảm các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện hiệu quả.