Tham dự lễ kỷ niệm, có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi; Cựu chiến binh Lữ đoàn 52; Cựu chiến binh Đơn vị 299, là một trong ba đơn vị Lực lượng Vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi; lãnh đạo huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Minh Long.
Tại buổi lễ kỷ niệm, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Minh Long đã ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và khẳng định thành tựu to lớn trong chặng đường xây dựng và phát triển. Những tháng đầu năm 1960, Mỹ ngụy thực hiện 52 cuộc càn quét đánh vào miền tây Quảng Ngãi gây nhiều khó khăn, tổn thất cho nhân dân và vùng căn cứ cách mạng.
Diện mạo mới ở vùng cao Minh Long
Lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã phối hợp với lực lượng Nghĩa Hành và quân chủ lực Quân khu 5 tấn công địch tại quận lỵ Minh Long, cứ điểm địch tại cầu Cộng Hòa, tiêu diệt 4 trung đội cùng nhiều tên địch, giải phóng quận lỵ Minh Long.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Minh Long |
Mùa khô 1966-1967, huyện Minh Long trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Tại đây, địch lập 6 đồn bốt, dồn dân vào các khu đồn; cho máy bay B52 bất kể ngày đêm ném bom, rải chất độc da cam. Sát cánh cùng Đảng bộ, quân và dân Minh Long phát triển lực lượng theo phương châm “Mạnh về số lượng, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn” quyết chiến đấu với các trận đánh tiêu biểu: Ruộng Đo, Eo Chim Long Môn, Nước Nhiêu Thanh An, Gò Chè Long Sơn...
Từ năm 1969-1972 quân ta đã đánh 79 trận, diệt 542 tên địch, bắn rơi 7 máy bay lên thẳng, thu 215 súng các loại. Trước tình hình thuận lợi, Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương chọn Minh Long là một trong những huyện đánh địch đầu tiên trong chiến dịch Hè Thu năm 1974... Lữ đoàn 52 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi, huyện Minh Long và cán bộ, Nhân dân tham gia trận đánh này.
Đồng chí Đinh Văn Điết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Long ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng huyện miền núi Minh Long. |
Đúng 5 giờ 35 sáng 17/8/1974, lệnh nổ súng vừa phát, tất cả hỏa lực của ta đồng loạt dội bão lửa vào các đồn bót của địch tại quận lỵ Minh Long. Đại đội xe tăng, bọc thép của Trung đoàn 574 cùng với lực lượng vũ trang bộ binh, du kích tiến vào trung tâm quận lỵ, truy quét và tiêu diệt địch.
Chỉ trong 10 giờ chiến đấu anh dũng, mưu trí, quân và dân huyện Minh Long đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch; loại khỏi vòng chiến đấu 588 tên địch, tịch thu 468 súng các loại, 11 tấn đạn pháo, cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác; giải phóng an toàn cho gần 5.000 đồng bào các dân tộc Minh Long.
Đến 14 giờ ngày 17/8/1974, lá cờ cách mạng tung bay trên Sở Chỉ huy quận lỵ Minh Long. Chiến thắng Minh Long mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, nối liền các vùng căn cứ địa kháng chiến miền tây Quảng Ngãi và góp phần cho giải phóng nông thôn, đồng bằng và thị xã Quảng Ngãi vào tháng 3/1975, đưa chiến dịch Hồ Chí Minh đến toàn thắng vào ngày 30/4/1975.
Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên của huyện Minh Long. |
Tiếp bước truyền thống yêu nước, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Minh Long tiếp nối mạch nguồn cách mạng, chủ động, sáng tạo trên chặng đường phát triển và hội nhập.
Hiện nay, huyện Minh Long có tổng diện tích tự nhiên 23.719,87km2; dân số gần 20 nghìn người, trong đó dân tộc H’rê chiếm khoảng 76%; người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Kinh tế của huyện Minh Long liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 8,19% trong giai đoạn 2021-2023. Từng là một trong 61 huyện nghèo cả nước, đến tháng 3/2022, Minh Long ra khỏi danh sách huyện nghèo; thu nhập bình quân trên 35 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng của huyện từng bước được hoàn thiện đồng bộ.
Đến nay, 100% xã có đường bê-tông đến trung tâm xã; 99,45% số hộ được dùng điện quốc gia; 95% số hộ dùng nước sạch; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 60%; sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện, 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Tháng 3/2022, Minh Long ra khỏi danh sách huyện nghèo. |
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai hiệu quả, thực chất, có sức lan tỏa lớn. Nổi bật là xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác kết nạp đảng viên mới; triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “Cán bộ, đảng viên đồng hành cùng Nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững”.
Bên cạnh đó, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng được nâng lên; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu quả, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị.
Kế thừa truyền thống yêu nước, huyện Minh Long đã nỗ lực phấn đấu vượt qua và vững bước đi lên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Và đến tháng 3/2022, huyện Minh Long đã thoát khỏi huyện nghèo. Định hình không gian phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Minh Long tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Trung tâm huyện Minh Long. |
Để ghi nhận những thành tích đã đạt được, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho cán bộ và nhân dân huyện Minh Long.
Nhân dịp này, Ban liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn 52, Ban liên lạc Cựu chiến binh Đơn vị 299 và huyện Minh Long đã trao tặng 84 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo xã Long Môn và huyện Minh Long.