Diện mạo mới ở vùng cao Minh Long

Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, Minh Long, huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Ngãi có sự chuyển biến mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội phát triển nhanh theo hướng bền vững, quy hoạch đô thị vùng cao đang được triển khai, với nhiều khu dân cư công trình trọng điểm.

Một góc khu đô thị mới của huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi.
Một góc khu đô thị mới của huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi.

Phố ở vùng cao

Ði trên mảnh đất Minh Long anh hùng trong những ngày giữa tháng 8, chúng tôi cảm nhận rõ "bước đi" đô thị hóa ở đây khá vững chắc và nhanh chóng. Mới ngày nào, núi non trùng điệp còn bủa vây trung tâm huyện lỵ Minh Long, giờ đây đã nhường chỗ cho những khu phố khang trang với nhiều công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, phục vụ cuộc sống nhân dân ngay trong thời điểm diễn ra kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện nhà.

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi về phía tây nam khoảng 30 km, Minh Long từng được coi là nơi "gần núi đồi, xa đô thị". Từng bước, huyện đã bứt phá, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển. Xây dựng trung tâm huyện lỵ trở thành đô thị loại 5 vào năm 2015 là mục tiêu chính trong quy hoạch đô thị đã được huyện phê duyệt. Tương lai, thị trấn nhỏ bé ngày nào sẽ trở thành một đô thị thật sự với quy mô diện tích lên đến 110 ha, nằm bên dòng Phước Giang thơ mộng. Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị trung tâm với những công trình, dự án trọng điểm, bước đầu tạo nên diện mạo một đô thị vùng cao. Ngay trung tâm huyện lỵ, đã rộng mở những con đường bằng bê-tông, thảm nhựa thẳng tắp. Một số công trình văn hóa, công viên, cây xanh đang được đầu tư thi công khẩn trương và hoàn thành đúng tiến độ. Nhà cao tầng khang trang của người dân mọc lên san sát, rực sáng bởi ánh đèn cao áp giữa phố núi vào đêm. Có điện thắp sáng, nhiều điểm sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của thanh, thiếu niên hoạt động thường xuyên, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn miền núi.

Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng và cần thiết của quy hoạch xây dựng đô thị vùng cao Minh Long, huyện huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bước đầu thực hiện đúng kế hoạch, đề án đã đề ra. Trong hai năm gần đây, hàng chục công trình thiết yếu trên địa bàn, được đầu tư trọng tâm là hạ tầng giao thông với 53 công trình lớn, nhỏ, tổng trị giá hơn 82 tỷ đồng. Một số công trình quy mô đầu tư lớn như đường Phú Lâm - Hố Cả, Long Sơn - Long Mai (qua cầu Biểu), Long Sơn - Long Mai (qua đèo Chân) đã tạo động lực đô thị hóa những xã vùng dự án. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, trạm biến áp, bảo đảm 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng bưu chính - viễn thông được mở rộng với 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, có điểm bưu điện - văn hóa xã và số người sử dụng mạng in-tơ-nét ngày càng tăng. Hệ thống công trình nước sinh hoạt cũng được nâng cấp với hơn 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hàng chục công trình cơ sở giáo dục, y tế được đầu tư, bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn,... "Ðiểm nhấn" của đô thị là việc xây mới một số khu dân cư tiêu biểu ven trung tâm huyện lỵ, với hàng chục tòa nhà cao tầng; nhiều cửa hàng, và những làng nghề truyền thống của địa phương đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Diện mạo vùng cao Minh Long thay đổi, kéo theo đời sống vật chất, tinh thần của bà con nâng lên rõ rệt.

Rời huyện lỵ Minh Long, chúng tôi đến trung tâm cụm xã Long Sơn, nơi người dân đang đóng góp nhiều công sức xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng đã tự nguyện hiến đất, hiến công để xã đầu tư mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê-tông hóa nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã và đường nội bộ khu trung tâm cụm xã. Người dân cũng tự nguyện đóng góp tiền, kéo điện thắp sáng hai bên trục đường chính của xã, thôn. Xã cũng tập trung xây dựng những công trình phúc lợi thiết yếu ngay trung tâm cụm xã; vận động nhân dân làm tường rào, cổng ngõ; di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị và hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư,... Cựu chiến binh Ðinh Lực, ở thôn Xà Tôn, xã Long Sơn xởi lởi: Mặc dù diện tích đất canh tác của gia đình ít ỏi, nhưng khi chính quyền địa phương phát động người dân góp đất để làm công trình phát triển đô thị, không những gia đình hưởng ứng ngay mà bản thân tôi còn đi vận động nhiều hộ trong họ, trong thôn chung tay, góp sức hiến đất để sớm có khu phố đẹp, văn minh. Nhờ sức dân, cụm xã Long Sơn đã có dáng vóc một phố núi xinh đẹp, hằng đêm điện sáng lung linh và trở thành "tâm điểm" phát triển kinh tế - văn hóa vùng phía bắc huyện. Khu chợ trung tâm cụm xã có lượng hàng hóa trao đổi phong phú từ các vùng dồn về đây, tạo thành điểm nhấn phát triển thương mại, dịch vụ ở khu đô thị mới. Những điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi hoang vắng trước đây, nay sôi động thường xuyên.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Ðô thị hóa vùng cao ở Minh Long được đánh giá là tiến trình cần thiết, tạo ra năng suất, chất lượng lao động cao và thu lại nguồn lợi kinh tế lớn cho huyện. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện hiện nay là phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết, hướng tới xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là công tác quy hoạch, đẩy mạnh đô thị hóa vùng cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thuần, từ ngày đầu thành lập, trung tâm huyện lỵ Minh Long được quan tâm đầu tư, đã có nhiều công trình xây dựng khang trang. Tuy nhiên, để đô thị hóa vùng cao một cách bền vững, huyện cần khai thác triệt để tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ từ trung ương và tỉnh để nhanh chóng triển khai xây dựng các công trình trọng tâm. Ðể xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội, huyện cần bảo đảm quỹ đất đủ lớn để đạt các tiêu chuẩn đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển, có tính đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Theo kế hoạch vốn hằng năm, huyện phân bổ cụ thể để đầu tư xây dựng các công trình đúng quy hoạch và đề án được phê duyệt.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xây dựng trung tâm huyện lỵ Minh Long trở thành yêu cầu cấp thiết đối với tiến trình phát triển của huyện. Ðó không chỉ là quyết tâm của cấp ủy chính quyền huyện mà còn là sự khao khát của người dân. Ðô thị trung tâm sẽ là "đòn bẩy" quan trọng để huyện vùng cao này bắt kịp tiến trình hiện đại hóa. Hiện tại, vùng ven trung tâm huyện lỵ đã được đầu tư hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, nhưng mặt cắt còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Do đó, bài toán đặt ra cho Minh Long ngay từ bây giờ là, phải từng bước mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối, liên hoàn cao. Trước mắt, huyện đầu tư xây dựng tuyến tỉnh lộ 624 từ trung tâm đi xã Ba Ðộng (huyện Ba Tơ) và tuyến tỉnh lộ 628 từ xã Thanh An đi Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), mở hướng phát triển du lịch. Khu du lịch Thác Trắng sẽ là điểm khởi đầu, thu hút du khách các địa phương đến tham quan, du ngoạn cảnh núi rừng thơ mộng nơi vùng cao này. Trong quá trình đô thị hóa, sẽ nảy sinh nhiều "mặt trái", huyện đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo đảm môi trường đô thị một cách bền vững. Việc khai thác tiềm năng quỹ đất, cảnh quan sinh thái khu vực theo tiến trình phải bám sát quy hoạch, hài hòa không gian cảnh quan đô thị. Muốn phát triển đô thị, trước tiên cần nâng cấp hạ tầng xã hội như nhà ở, công trình công cộng, công viên cây xanh, sau đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, khai thác tối đa nội lực để phát triển tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội... Thu hút nguồn nhân lực, huyện ưu tiên xây dựng các khu dân cư điển hình cho cán bộ, công nhân đang công tác, lao động ở các vùng lân cận sinh sống trong khu đô thị mới. Ðô thị hóa bền vững, sẽ là điều kiện tiên quyết, là động lực đưa huyện miền núi Minh Long thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2020.