Từ sáng sớm ngày 27/7, căn bếp nhỏ nhà ông Nguyễn Hữu Chấp, ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên đã rộn rã tiếng nói cười. Hôm nay, gia đình người chiến sĩ Ðiện Biên từng trực tiếp góp công tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa được đón các bạn đoàn viên, thanh niên trong phường tới thăm hỏi và giúp gia đình nấu bữa cơm trưa.
Nhanh nhẹn sơ chế chỗ thực phẩm vừa mua, đoàn viên Lê Trung Dũng hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng nhau đi chợ từ 6 giờ sáng để bảo đảm mọi nguyên liệu đều tươi ngon. Theo phân công, mỗi người sẽ phụ trách một món ăn trong mâm cơm. Các món đều đã được lên kế hoạch từ trước để bảo đảm đầy đủ dưỡng chất, hài hòa, phù hợp với toàn bộ các thành viên trong gia đình.
Sau bữa cơm diễn ra trong bầu không khí đầm ấm cùng gia đình, các bạn trẻ được nghe người cựu chiến binh năm nay đã 93 tuổi ôn lại những năm tháng hào hùng chiến đấu dưới ngọn cờ giải phóng quang vinh. Từ chàng trai quê Phú Thọ với dáng người nhỏ bé tới mức không đủ cân nặng đi bộ đội, ông Nguyễn Hữu Chấp đã trở thành một Khẩu đội trưởng quả cảm, sát cánh cùng đồng đội tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam của địch, đánh thắng trận mở màn trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử. Hòa bình lập lại, người thương binh hạng 4/4 quyết định ở lại để tiếp tục góp công tái thiết, xây dựng tỉnh Ðiện Biên cho tới ngày nay.
Bí thư Ðoàn Thanh niên phường Him Lam Lò Thị Son cho biết, đây là hoạt động “Bữa cơm sum vầy, ấm áp yêu thương”, do cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh niên phường Him Lam triển khai nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Trên địa bàn phường, có rất nhiều gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, người có công với cách mạng. Vì vậy, không chỉ riêng các dịp kỷ niệm, tuổi trẻ Him Lam luôn chú trọng tổ chức các công trình, phần việc nhằm thiết thực chăm lo, hỗ trợ thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cũng qua các hoạt động, các bạn trẻ có cơ hội để tìm hiểu về những mốc son chói lọi của lịch sử nước nhà, có cơ hội thể hiện lòng biết ơn đến thế hệ đi trước, từ đó thêm phần nỗ lực, phấn đấu rèn luyện, học tập, công tác, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Cũng là một người từng cống hiến cả tuổi xuân trên chiến trường rồi trở về quê hương với những chiến công cùng vết thương vẫn tái phát mỗi khi trái gió trở trời, ông Trương Thanh Ðức hiện sống cùng vợ tại thôn Thanh Trường, ở xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên.
Người dân trong thôn ai cũng đều biết tới hoàn cảnh khó khăn của gia đình người cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 1972-1987. Cuộc sống của hai vợ chồng ông Ðức chủ yếu trông vào mảnh ruộng nhỏ nằm sau căn nhà đơn sơ rộng khoảng 30 m2. Thương chồng mỗi lúc nắng gắt mưa dầm lại đau ốm liên miên, vợ ông Ðức mở một cửa hàng tạp hóa trước cửa kiếm “đồng ra đồng vào”. Nói là cửa hàng, nhưng thực tế chỉ là một chiếc tủ nhôm kính cũ, bên trong có một ít nhu yếu phẩm như: sữa, bánh kẹo, gia vị, giấy ăn… vẫn thường thấy ở những vùng quê nghèo.
Vài năm trở lại đây, ông Trương Thanh Ðức đi khám, được các bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư. Sức khỏe yếu, nhưng mỗi khi bà con trong vùng đến nhờ thăm khám, người cựu chiến binh sinh năm 1955 vẫn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ chữa trị bằng những kiến thức có được trên chiến trường năm xưa. Gia đình ông Ðức có hai con, đều đi làm ăn xa. Do điều kiện kinh tế khó khăn, các con của ông cũng rất ít khi về thăm bố mẹ, kể cả dịp lễ, Tết.
Trước hoàn cảnh đặc biệt nêu trên, đoàn viên, thanh niên địa phương vẫn thường qua thăm hỏi, giúp đỡ vợ chồng “bác Ðức thương binh”. Lúc lùa hộ đàn vịt về chuồng khi chiều muộn, khi dựng lại hàng rào bị mưa bão quật đổ, hôm chạy ra chợ mua giúp mớ rau…, những việc làm tưởng như rất nhỏ của các bạn trẻ lại chính là niềm vui lúc tuổi già của vợ chồng người cựu chiến binh.
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, Ðoàn công tác của Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến thăm, động viên, trao nhiều phần quà gồm tiền mặt và hiện vật tặng gia đình các đồng chí Nguyễn Hữu Chấp, Trương Thanh Ðức và một số cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Trung ương Ðoàn đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” cấp Trung ương tại Nghĩa trang liệt sĩ Ðộc Lập và ba điểm cầu nhánh gồm: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao và Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam (cùng thuộc tỉnh Ðiện Biên).
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, các đại biểu đã kính cẩn dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; đồng thời bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn tới cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh của cách mạng Việt Nam.
Tại buổi lễ, Bí thư Thường trực Trung ương Ðoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương khẳng định: Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, tuổi trẻ nước nhà luôn hăng hái thi đua, sôi nổi thực hiện nhiều công trình, phần việc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tri ân người có công với cách mạng.
Trong đợt cao điểm tháng bảy năm nay, các bạn trẻ trên khắp cả nước đã triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể như “Hành trình về với địa chỉ đỏ”, “Bữa cơm sum vầy, ấm lòng tình Mẹ”; chỉnh trang, tu sửa các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, chăm sóc gia đình thương, bệnh binh, gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong…
“Mỗi hành động đều thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ trước những hy sinh, đóng góp vô cùng to lớn của thế hệ cha anh. Mỗi hoạt động qua đi, không chỉ là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người đi trước, mà còn là một lần tuổi trẻ được thấm nhuần những bài học lịch sử vô giá, từ đó trân trọng hơn nữa sự hy sinh của cha anh, nguyện viết tiếp truyền thống vẻ vang mà cha ông ta đã cùng nhau xây dựng”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ.
Hưởng ứng các hoạt động của Trung ương Ðoàn, tối 27/7, các cấp bộ Ðoàn trên cả nước đã đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân và các hoạt động liên quan nhằm đồng hành, hỗ trợ với gia đình, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tiêu biểu, có thể kể đến Thành đoàn Hà Nội với dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trên địa bàn thành phố”.
Từ những bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, thậm chí chỉ còn vài chi tiết, các tình nguyện viên đã dùng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến tái hiện chân dung những người con ưu tú của đất nước. 66 bức di ảnh được trao gửi đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng dịp này chính là lời tri ân sâu sắc, ý nghĩa của tuổi trẻ Thủ đô gửi tới thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc ngày hôm nay.