Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện chương trình lao động, việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của hàng nghìn lao động miền núi, người nghèo.
Năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của hàng nghìn lao động miền núi, người nghèo.

Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp cho người lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được quan tâm xuyên suốt.

Để triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu lãnh đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm. Năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của hàng nghìn lao động miền núi, người nghèo; chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trong và ngoài nước.

Số lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có việc làm tăng thêm 10.025 người; trong đó, số lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 145 lao động (huyện Sơn Tây: 03 người, huyện Ba Tơ: 17 người, huyện Sơn Hà: 71 người, huyện Trà Bồng: 48 người, huyện Minh Long: 06 người). Bên cạnh đó, Sở thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn về chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm để quay lại với thị trường lao động.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp mới, bám sát thực tiễn nên kết quả lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đạt kết quả cao. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được đổi mới; triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được quan tâm và ưu tiên. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp được chú trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

Dự báo năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi 7-8%/năm. Số lượng lao động qua đào tạo tăng chủ yếu là lao động được đào tạo trung cấp nghề và giảm dần tốc độ tăng lao động ở trình độ cao đẳng trở lên. Vì vậy, yêu cầu tăng trưởng lao động qua đào tạo tại Quảng Ngãi cần tăng 02%/năm. Trước thực tiễn này, năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi tập trung lĩnh vực lao động-việc làm và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thực hiện kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động ở doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi xây dựng các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Đảm bảo nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách; triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, đảm bảo 100% người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đều được vay vốn tín dụng ưu đãi.

“Thực hiện chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phục vụ chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh, vì vậy, năm 2024, Sở tiếp tục tập trung cho các chính sách, giải pháp hiệu quả, phù hợp thực tế từ cơ sở để giáo dục nghề nghiệp, giài quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nền tảng này người nghèo, người dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định hơn, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Ngãi”, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.