Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 xác định mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023, đưa ra tầm nhìn phát triển Quảng Ngãi theo hướng xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2030.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo. |
“Tỉnh Quảng Ngãi không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau; không tăng trưởng bằng mọi giá để đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội. Quảng Ngãi đã, đang chủ động, tích cực và mong muốn tham gia ngày càng hiệu quả vào cuộc thay đổi xanh, tạo ra sự phát triển bền vững mà tất cả chúng ta cùng thụ hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Vy khẳng định.
Tại hội thảo, với tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị và ý thức trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế tập trung trao đổi về các cơ chế, chính sách liên quan; đề xuất các giải pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền; chia sẻ các giải pháp khoa học, công nghệ, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, áp dụng mô hình phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, để phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững, cần tập trung vào các định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế.
Cụ thể, Quảng Ngãi cần triển khai các chính sách mạnh mẽ để phát triển bền vững, với trọng tâm là năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh và bảo vệ môi trường.
Định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải và ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động; phát triển bền vững bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế cộng sinh.
Đồng thời, chú trọng quản lý chất thải và nước thải, đầu tư xây dựng các công trình xanh để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.