Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị trực thuộc, cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp, du lịch 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình.
Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái; đồng thời thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc Gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, hướng đi bền vững cần thực hiện một số các giải pháp như: Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về cơ sở hạ tầng, vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển nhân lực… để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất đầu tư phát triển du lịch; Tạo sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển như nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về du lịch, nông nghiệp, thương mại; Chú trọng phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong khai thác sản phẩm nông nghiệp du lịch; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến, về kỹ năng, thái độ phục vụ khách.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu, góp phần tạo nét đặc trưng riêng cho khu vực nông thôn của tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, tới nay toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP, trong đó có: 2 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 124 sản phẩm 3 sao. Cơ sở vật chất nông thôn ngày càng được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng các khu du lịch tại địa phương với các hình thức dịch vụ du lịch đa dạng như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du dịch trải nghiệm nông trại, làng nghề...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đề xuất cách thức triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các địa phương; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường; giới thiệu, quảng bá một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình du lịch nông thôn hiện nay.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, du lịch nông nghiệp nông thôn có nhiều nguồn lực phát triển trong tương lai, gắn với bối cảnh ngành du lịch được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, được toàn hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc. Đặc biệt, các xu hướng phát triển của du lịch thế giới và trong nước tạo điều kiện thúc đẩy du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển như: Các loại hình Du lịch thân thiện với môi trường; Du lịch trải nghiệm các giá trị nguyên bản về văn hóa, sinh thái... của những vùng đất mới được ưu tiên, hướng đến thị trường quốc tế; Xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên và các giá trị truyền thống bản địa. Các loại hình du lịch được ưa chuộng du lịch sinh thái gắn với các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Mô hình du lịch cộng đồng là mô hình kinh doanh bền vững giúp mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho người nghèo ở địa phương và khai thác thế mạnh của người dân, đồng thời vẫn gìn giữ và phát huy được các cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc dân tộc...