Nắm bắt được yêu cầu của thực tiễn, đến nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản đã nhanh chóng thích ứng và khắc phục các hạn chế trong hoạt động để chuyển đổi xanh cho phù hợp với luật pháp, quy định của các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là những thị trường sẽ dần có các hành động kiểm soát, đánh giá hàm lượng các-bon trong các sản phẩm lâm sản nhập khẩu…
Áp lực từ tăng trưởng xanh
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã xác định sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lâm sản để bảo đảm phát triển kinh doanh bền vững. Theo Cục Lâm nghiệp, nhờ ứng dụng tiêu chí xanh trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng mà nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng hằng năm, trong đó có nguồn thu mới từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp cũng có bước phát triển khá mạnh mẽ, nhiều đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.
Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, thời gian qua, mặc dù ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 465.000 ha, đạt 93% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện tăng trưởng xanh theo yêu cầu của Chính phủ đã được ngành quán triệt trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh trong chế biến, xuất khẩu lâm sản cho nên còn chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ngành sản xuất, chế biến lâm sản hiện chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải các-bon cho nên còn chần chừ trong đầu tư để chuyển đổi, nhưng trong tương lai gần, đây là quy tắc sẽ phải tuân thủ.
Vì thế, ngay từ bây giờ để chủ động tiếp cận các chính sách mới của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp lâm sản cần thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại và xác định đây là cơ hội để chuyển đổi sản xuất, không nên bị động với phương pháp sản xuất hiện đại. Các nhà phân tích kinh doanh khẳng định, sắp tới, các thị trường lớn như EU và Mỹ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng các-bon trong sản phẩm nhập khẩu. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thật sự, dù sẽ làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp nào đầu tư sớm, tạo hướng đi phù hợp với chuỗi cung ứng có sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà nhập khẩu, theo chỉ đạo của Chính phủ họ sẽ có những lợi thế rõ rệt trong cạnh tranh toàn cầu. Xu hướng chung hiện nay cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp chế biến lâm sản đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khách hàng.
Thời gian tới, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon được triển khai thực hiện tại các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản. Các sản phẩm đạt được mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính, chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc chuyển đổi sản xuất xanh. Do đó, thay vì chờ đợi, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi xanh để nắm chắc những lợi thế cạnh tranh trong tương lai…
Thay đổi để thích ứng
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, tập trung vào lĩnh vực giống chất lượng cao; thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng, chế biến gỗ và lâm sản; ưu tiên là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics, phát triển ngành chế biến gỗ hiện đại.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, ngành lâm nghiệp tập trung trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, trồng lại rừng, trồng cây phân tán; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào trồng rừng kinh tế; nâng độ che phủ rừng; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống mới vào trồng rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí C02 của rừng, bảo đảm cung cấp gỗ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp cần tiếp tục, thực hiện các dự án về giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư các vùng, địa phương, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế-xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên; xây dựng các dự án về nâng cao giá trị rừng, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với vai trò cung cấp gỗ và lâm sản làm vật liệu xây dựng, phục vụ các ngành công nghiệp và xuất khẩu; cung cấp nguồn thực phẩm, dược liệu quý từ rừng; tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn phát triển du lịch và góp phần điều hòa nguồn nước, khí hậu, chống xói mòn, bảo vệ đất, giữ cân bằng sinh thái, rừng đang có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2024, ngành lâm nghiệp đề ra các chỉ tiêu và giải pháp để thực hiện theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Theo đó, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng của cả nước ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5% đến 5,5%; trồng rừng tập trung là 245.000 ha; trồng cây phân tán đạt 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu mét khối; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD. Xác định thay đổi để thích ứng với điều kiện mới, tình hình mới, cùng với các hành động thiết thực nhằm bảo đảm tăng trưởng xanh, ngành lâm nghiệp cũng đang tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số để nắm bắt thông tin kịp thời về biến động rừng, sản xuất lâm nghiệp và những định chế, quy định quốc tế phù hợp thực tiễn, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định và bền vững… ■