Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023; số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70 nghìn người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Quảng Nam, trong năm 2023, đã xảy ra 5 ổ dịch dại trên động vật ở các xã: Đại Hòa, Đại Thắng, Đại Chánh (huyện Đại Lộc), Tam Vinh (huyện Phú Ninh) và phường Tân Thạnh (thành phố Tam Kỳ).
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 805 người bị chó, mèo cắn đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát đi chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống khẩn cấp.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương không tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo năm 2023 như các huyện: Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang và các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thấp trong năm 2023 (như: Hiệp Đức, Điện Bàn, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh) khẩn trương tổ chức họp chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại.
Các địa phương tiến hành xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân trong việc không nắm được tổng đàn chó, không tham mưu tổ chức hoặc tổ chức không hiệu quả công tác tiêm phòng bệnh dại. Qua đó, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25/4/2024 để theo dõi, chỉ đạo.
Cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương phê duyệt kế hoạch và bố trí các nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả Quyết định số 908/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 trong năm 2024; chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại để bảo đảm đạt tỷ lệ phòng bệnh theo quy định, nhằm đáp ứng miễn dịch bảo hộ cho đàn chó, mèo ở địa phương.
Các địa phương chỉ đạo xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn; trong đó, lưu ý các địa phương phát triển du lịch, tập trung khu công nghiệp, đô thị như: Hội An, Tam Kỳ.
Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý, các địa phương chỉ đạo cơ quan truyền thông phối hợp với các ngành chuyên môn liên quan, các tổ chức chính trị-xã hội thuộc cấp huyện và chính quyền cấp xã triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại. Cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh dại trên động vật, tham mưu hướng dẫn xử lý dịch bệnh theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng phương án ứng phó hiệu quả, kịp thời, không để phát sinh có người tử vong vì bệnh dại.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại; phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp tài liệu, thông tin về bệnh dại cho các trường học.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đầy đủ kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dại trong dự toán ngân sách hằng năm.