Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về làm tuyến quốc lộ 40B bị tắc đường tại ngầm sông Trường Km62+378 và ngầm Nước Oa Km62+880 (đoạn qua xã Trà Sơn và xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) ngập nước sâu từ 0,7m-1,0m.
Tuyến quốc lộ 14H, đoạn qua Cầu Khe Rinh (Km65+402), Cầu Bến Đình (Km71+410) thuộc các xã: Phước Ninh, Quế Lâm, Huyện Nông Sơn bị ách tắc giao thông do nước ngập sâu.
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, mưa to kéo dài làm tuyến đường ĐH5 từ Tắc Pỏ vào các xã: Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Tại địa bàn xã Trà Leng, nước lũ trên sông Xoan và sông Leng đổ về, nên Trạm y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt, hư hại.
Sạt lở đất trên tuyến đường ĐH 5 từ trung tâm huyện Nam Trà My vào các xã Trà Vân, Trà Vinh |
Hiện, tại huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cho 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở, trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có nguy hiểm; đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên tuyến ĐH5 để bảo đảm lưu thông an toàn cho nhân dân.
Tại huyện Bắc Trà My, tuyến ĐH8 qua địa phận thôn 3, xã Trà Bui bị sạt lở lớn một số điểm phía taluy dương gây ách tắc giao thông. Mưa to kéo dài đã đất đá sạt lở đổ vào phía sau 3 nhà dân, gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Do vậy, ngay trong sáng nay (14/11), lực lượng chức năng đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân, với 58 nhân khẩu cùng tài sản ở khu vực này đến nơi an toàn.
Sạt lở đất đe dọa nhiều nhà dân ở thôn 3, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My. |
Còn tại huyện Đại Lộc, mưa to trong nhiều ngày qua đã làm nhiều tuyến đường tại thị trấn Ái Nghĩa bị ngập nước, gây ách tắc giao thông, nhiều hộ dân phải sơ tán ra khỏi điểm sạt lở đất tại khu vực sau Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam.
Đáng lưu ý, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm bờ kè sông Vu Gia (thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường) bị sạt lở. Để ngăn sạt lở, từ ngày 13/11, Ủy ban nhân dân xã Đại Cường đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên và hàng trăm người dân trên địa bàn xã tham gia đắp kè tạm bằng tre và bao cát, với chiều dài gần 100m, rộng 3m tại vị trí xung yếu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Cường Phan Phước Mơ cho biết, bước đầu, chính quyền địa phương đã tạm ứng 200 triệu đồng để mua hơn 500m3 cát, hàng nghìn cây tre và các vật liệu khác để làm kè tạm để chống sạt lở; đồng thời đề nghị huyện Đại Lộc sớm có giải pháp kè kiên cố nhằm ngăn chặn sạt lở, bảo đảm an toàn đời sống, sản xuất của người dân