Quảng Bình ưu tiên nguồn lực cho hệ thống giao thông

Sau ba năm thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, bộ mặt hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng, tạo nên hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, ngày càng hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Nhật Lệ 3 được thi công bảo đảm tiến độ đề ra.
Cầu Nhật Lệ 3 được thi công bảo đảm tiến độ đề ra.

Với phương châm phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, giai đoạn 2020-2023, Quảng Bình triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông mang tầm chiến lược, kết nối liên vùng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, miền núi để tạo động lực cho những khu vực còn khó khăn vươn lên.

Đường thông, tăng tính kết nối

Vùng phía nam gồm chín xã của thị xã Ba Ðồn vốn là nơi bị chia cắt bởi sông Gianh, gây nên tình trạng cách trở trong rất nhiều năm, thậm chí, có nơi phải qua hai lần đò ngang mới đến được trung tâm thị xã. Mùa mưa lũ hằng năm, cả vùng rộng lớn ở phía nam thị xã bị cô lập trong nhiều ngày. Mãi cho tới khi cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh được xây dựng hoàn thành, sự chia cắt về giao thông của khu vực mới chấm dứt.

Tuy nhiên, thị xã Ba Ðồn có nhiều thôn, xã nằm trên các cồn, bãi giữa sông Gianh nên kết nối giao thông đường bộ vẫn là bài toán khó. Từ năm 2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và thị xã Ba Ðồn quyết định ưu tiên nguồn lực để nâng cấp hệ thống giao thông vùng nam thị xã. Sau đó, tuyến đường chính từ Quốc lộ 12A đến trung tâm các xã vùng nam, Ðường tỉnh 559B đi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa được nâng cấp, mở rộng. Cuối năm 2022, thị xã khánh thành tuyến đường từ cầu Quảng Hải đến ga Lạc Giao tạo sự kết nối liên hoàn cho các xã Quảng Lộc, Quảng Tân, Quảng Trung và Quảng Tiên. Ðây là tuyến đường được nhân dân các vùng nam thị xã mong đợi nhất, bởi giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Thanh Hoài, ở xã Quảng Tân cho biết: “Trước đây, chúng tôi đi lại trên tuyến đường ven sông vừa nhỏ hẹp, lại xuống cấp nghiêm trọng, phương tiện thì nhiều, đi vào ban đêm rất nguy hiểm. Bây giờ có tuyến đường mới chạy qua cánh đồng, người dân rất phấn khởi, nhất là các cháu học sinh được đến trường an toàn”. Không chỉ phục vụ lưu thông, tuyến đường mới được xây dựng bê-tông rộng rãi xuyên qua bốn xã nằm ven sông Gianh còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Chủ tịch UBND thị xã Ba Ðồn Ðoàn Minh Thọ cho biết, cùng với việc mở các tuyến đường xuyên vùng tạo động lực phát triển cho vùng nam, thị xã đã đầu tư ba cây cầu qua các nhánh sông Gianh và sông Nan để kéo gần khoảng cách giữa trung tâm thị xã với các xã, thôn cồn, bãi. Khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh, tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản ở vùng nam sông Gianh chắc chắn được khai thác một cách hiệu quả.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tỉnh đã quyết định đầu tư dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 để làm động lực phát triển cho vùng cát phía đông.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, dự án trọng điểm này chia thành hai dự án thành phần là đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Dự án đường ven biển được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều dài 85 km, rộng 12m, tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.200 tỷ đồng. Dự án cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Ðến giữa tháng 10, nhà thầu thực hiện đạt khoảng 25% khối lượng công trình. Chủ đầu tư và nhà thầu đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, nỗ lực hoàn thành công trình cầu Nhật Lệ 3 vào năm 2025.

Tuyến đường ven biển sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống đường ngang liên kết giữa đường ven biển với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, giúp kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền của tỉnh; tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai, giải quyết ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ tại địa phương. Không những vậy, dự án sẽ kết nối tốt hơn trong phát triển kinh tế vùng nam Hà Tĩnh-bắc Quảng Bình, nhất là phát huy lợi thế của cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Hòn La.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trần Thắng

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Phạm Văn Năm cho biết, cùng với triển khai xây dựng dự án đường ven biển, Sở đã hoàn thành các công trình quan trọng trong giai đoạn 2020-2023 như: Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh đông dài 24,9 km; dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương gồm 12 tuyến đường với chiều dài gần 60 km và 23 cây cầu dân sinh kết nối giữa các khu vực thường bị cô lập, bãi ngang với các vùng trung tâm.

Bên cạnh đó, Sở đang triển khai các dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Ðồn và đoạn tránh Nhà máy xi-măng Sông Gianh; đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố Ðồng Hới; nâng cấp tuyến Ðường tỉnh 562 góp phần nâng cao năng lực vận tải nội tỉnh và liên vùng.

Đa dạng hóa nguồn vốn phát triển giao thông

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, Quảng Bình vẫn còn một số khó khăn. Ðó là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn chưa đáp ứng được so với nhu cầu; việc huy động đầu tư theo hình thức xã hội hóa (PPP) trong lĩnh vực giao thông của tỉnh còn hạn chế. Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trong tỉnh chủ yếu từ ngân sách nhà nước, trong khi nguồn thu của tỉnh còn thấp, cho nên chưa bố trí được nhiều vốn để thực hiện. Việc huy động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn từ phía các nhà đầu tư do các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn chưa thật sự hấp dẫn.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông còn nhiều vướng mắc dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả đầu tư của các dự án chưa cao. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, điều này là do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, liên quan thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan.

Có những quy định thuộc nhiều lĩnh vực trong khi các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, vẫn còn chồng chéo, dẫn đến việc giải quyết mất nhiều thời gian. Về chủ quan, một số ngành, địa phương trong tỉnh vẫn chưa thật sự quyết liệt trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Trong bối cảnh thu hút đầu tư vào phát triển các ngành kinh tế, khu đô thị ngày càng tăng, tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục phối hợp Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông đoạn qua tỉnh.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải để đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường mà nhu cầu vận tải lớn như: Quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve-Cha Lo), một số đoạn tuyến Quốc lộ 9B để hình thành tuyến kết nối mới sang Lào qua cửa khẩu Chút Mút-Lạ Vin; mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A. Ðồng thời, tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Ðồng Hới đạt công suất khai thác ba triệu hành khách/năm.