Thực tiễn cho thấy, đã có sự thay đổi rất lớn trên nhiều phương diện từ đời sống xã hội đến phát triển kinh tế ở các làng quê và từng địa phương ở Quảng Bình nhờ hoạt động xuất khẩu lao động.
Đổi thay diện mạo vùng nông thôn
Quảng Bình đặt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2024, song kết quả đạt được gần gấp đôi. Với mức lương bình quân của người lao động làm việc ở nước ngoài hàng chục triệu đồng mỗi tháng không chỉ giúp người lao động có cuộc sống ổn định tại nơi làm việc, cải thiện kinh tế cho gia đình ở quê hương, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở từng địa phương.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, trú tại thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa thuộc diện khó khăn. Ông quyết định vay vốn cho con trai là anh Nguyễn Xuân Hải đi xuất khẩu lao động ở Angola. Sau hai năm chăm chỉ làm việc ở xứ người, tích cóp được ít vốn, anh Hải trở về và tiếp tục làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Một thời gian dành dụm, tạo được nguồn vốn, anh hỗ trợ cho bốn người em của mình sang làm việc ở Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn thu nhập từ những người con đi xuất khẩu lao động đã giúp cuộc sống của gia đình ông Hoàn có nhiều thay đổi. “Kinh tế gia đình khấm khá hơn, vợ chồng tôi sửa sang nhà ở, sắm được thiết bị, phương tiện đắt tiền và có thêm vốn liếng để sau này các con về quê hương lập nghiệp. Việc cho các con xuất khẩu lao động là quyết định đúng đắn nhất của vợ chồng tôi những năm trước” - ông Hoàn vui vẻ chia sẻ.
Hiện xã có 515 người xuất khẩu lao động, trong đó nhiều gia đình có ba, bốn thành viên. Nguồn lực từ lĩnh vực này đã mang đến những đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ chỗ là xã nghèo ở vùng bán sơn địa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 3,38%.
Trần Văn Bằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Hóa
Tương tự, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhiều người nói vui đã xuất hiện nhiều “làng Xơ-un” bởi trong làng có nhiều nhà cao tầng, kiến trúc đẹp nhờ nguồn lực từ lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc. Đến nay, huyện có gần 21 nghìn công dân đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài, số tiền gửi về nước mỗi năm khoảng 3.300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập này đã góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần xây dựng làng quê khang trang, sạch đẹp.
Năm 2024, Bắc Trạch trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở Quảng Bình. Yếu tố then chốt để làm nên thành công này, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Văn Vui, đó là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Chỉ tính giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao của Bắc Trạch hơn 84 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã và nhân dân đóng góp chiếm 84%.
Ông Phan Văn Hùng, ở Thôn 1, xã Bắc Trạch cho biết, khi xã và thôn triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình ông ngoài việc tham gia hàng chục ngày công trồng cây, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm còn ủng hộ 5 triệu đồng mua cây xanh để trồng tạo cảnh quan. Vợ chồng ông còn vận động con trai đang xuất khẩu lao động hỗ trợ 270 triệu đồng để đóng góp xây dựng cổng làng và mua loa máy phục vụ sinh hoạt, hội họp cho bà con trong thôn.
Xã Bắc Trạch có hơn 1.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài mang lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình và mang đến nguồn nội lực lớn cho địa phương để xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt ở xã này là phần lớn số tiền từ những người đi xuất khẩu lao động gửi về đều được gửi vào Quỹ tín dụng Bắc Trạch, từ đó tạo thêm nguồn vốn ưu đãi cho các hộ có nhu cầu vay để mở mang sản xuất, kinh doanh và khi con em có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thì được vay vốn ưu đãi để trang trải các chi phí.
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Phương cho biết, những năm gần đây, người dân trong huyện đi xuất khẩu lao động tăng cao, số nhà có hai, ba người đi nước ngoài khá phổ biến. Bình quân thu nhập của lao động đạt từ 20 đến 40 triệu đồng/tháng. Vì thế, người dân xem xuất khẩu lao động là cơ hội để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá giả.
Người lao động Quảng Bình được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động. (Ảnh Cổng thông tin Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) |
Tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình Trương Thị Thanh Hoa, xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động, mà còn góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất của các nước phát triển, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, yêu cầu kỷ luật cao và rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng. Những kiến thức, trải nghiệm tích lũy được từ quá trình làm việc ở nước ngoài giúp người lao động tự tin hơn sau khi trở về Việt Nam lập nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động ở Quảng Bình còn có những hạn chế, khó khăn. Mặc dù lực lượng lao động trong tỉnh dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Phần lớn người đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, làm các công việc đơn giản không đòi hỏi cao về năng lực, trình độ. Đa số người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài có trình độ văn hóa thấp, do đó họ thường có tâm lý e ngại việc tham gia học ngoại ngữ và thi tuyển, người lao động mong muốn được xuất cảnh ngay sau khi nộp hồ sơ.
Chính tâm lý này đã tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đưa thông tin sai, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động hoặc tổ chức đưa người lao động xuất cảnh trái phép.
Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ người lao động ở Quảng Bình chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp nhận lao động, dẫn tới vi phạm hợp đồng, nội quy lao động, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài... làm ảnh hưởng đến uy tín hợp tác quốc tế và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động trong tình hình mới cũng như phát huy hơn nữa hiệu quả của lĩnh vực này, Quảng Bình đã đưa chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của tỉnh.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về hoạt động này, cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn về các thị trường, các chương trình phù hợp với người lao động Quảng Bình, tư vấn về mức lương, chi phí dịch vụ, giới thiệu các đơn vị có chức năng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hạn chế tình trạng lừa đảo.
Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội biên soạn, phát hành cẩm nang đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tờ rơi tuyên truyền về chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài qua chương trình phi lợi nhuận để cung cấp cho người lao động đang có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định điều kiện hỗ trợ đối với người xuất khẩu lao động thông qua các doanh nghiệp dịch vụ trực tiếp đến tuyển chọn lao động tại tỉnh. Điều kiện này buộc nhiều doanh nghiệp phải chấp hành đúng quy định về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, qua đó thắt chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các doanh nghiệp dịch vụ.
Ở Quảng Bình có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xuất phát từ một người đi lao động nước ngoài sau khi về trở thành ông chủ. Khởi nghiệp thành công, họ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Vì thế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương đẩy mạnh các chương trình đưa người đi lao động ở nước ngoài, quảng bá rộng rãi để đông đảo người dân biết, nhất là các vùng khó khăn và ưu tiên hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho thanh niên có thêm cơ hội xuất khẩu lao động.