Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong tỉnh thời gian qua phát triển với nhiều loại hình, dịch vụ du lịch, như: khám phá thiên nhiên, văn hóa tộc người; trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay); tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống.
Trong số hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch ở Quảng Bình hiện nay, có nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa tới nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thu hút du khách; đồng thời mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.
Quảng Bình phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể. Chất lượng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa cao. Việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình du lịch còn hạn chế.
Tham gia hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã trao đổi, thảo luận về các nội dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Các đại biểu đề nghị định hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cần gắn với xây dựng nông thôn mới, có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình; kinh nghiệm về phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của một số tỉnh, thành phố trong nước...
Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch sinh thái ở bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là yếu tố quan trọng làm nên sự phát triển của ngành du lịch nói chung.
Để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch thì không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Chính sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng là chìa khóa để xây dựng ngành du lịch bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Còn khai thác sản phẩm du lịch từ cộng đồng ấy là trách nhiệm của doanh nghiệp trên cơ sở cùng chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm để mô hình phát triển bền vững.
Do vậy, cộng đồng du lịch cần đóng góp tích cực vào việc phát triển du lịch nông thôn bằng các cách làm cụ thể, như: bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa và tự nhiên tại nơi mình sống, phát triển sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để khai thác thị trường khách, không ngừng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hay về du lịch, thúc đẩy sự hợp tác và liên kết dịch vụ tại địa phương để tạo ra các chương trình du lịch phong phú và đa dạng hơn.
Bên lề hội thảo là không gian trưng bày, quảng bá du lịch và các sản phẩm OCOP Quảng Bình của nhiều đơn vị hoạt động du lịch, sản xuất hàng OCOP tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.