Bố Trạch phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng

Là nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong những năm qua, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm các hoạt động dưới nước ở khu du lịch cắm trại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Du khách trải nghiệm các hoạt động dưới nước ở khu du lịch cắm trại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Với thiên nhiên hùng vĩ và cảnh sắc tươi đẹp, du lịch cộng đồng (homestay) là hướng chính được địa phương lựa chọn để vừa phát triển du lịch dịch vụ vừa chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Là một người con quê hương Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, chị Lê Thị Bích được xem là người đặt nền móng cho du lịch cộng đồng tại Bố Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Với kinh nghiệm 8 năm làm du lịch tại Đà Nẵng, sau khi kết hôn với người chồng mang quốc tịch Australia, cũng là người đam mê du lịch, chị quyết định cùng chồng trở về quê hương mình để lập nghiệp bằng mô hình homestay. Mô hình du lịch dịch vụ đồng quê đầu tiên này đã gợi mở suy nghĩ và cách làm mới cho nhiều người trẻ nơi đây.

Từng là thợ rừng rồi làm nhiều nghề khác trước khi đến với du lịch, anh Nguyễn Văn Thắng ở thị trấn Phong Nha đã mạnh dạn mở một homestay. Kiến thức về loại hình du lịch cộng đồng mà Thắng có được đều học hỏi từ những người đã mở homestay trước đó.

Vợ anh, nhờ có hơn hai năm làm việc tại Công ty du lịch Chua Me Đất cho nên tích góp được kiến thức, đảm nhận giao dịch với du khách nước ngoài qua trang web và giao tiếp với khách.

Nằm ở cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Rustic homestay của vợ chồng anh Thắng có địa thế thuận lợi, cùng với cách thức quảng bá hiệu quả nên được nhiều du khách lựa chọn để lưu trú và chinh phục hang động, khám phá làng quê vùng Phong Nha.

Cách không xa Rustic homestay là Sy’s homestay của anh Lê Văn Sỹ được xây dựng khá quy mô và bài bản. Sỹ chia sẻ, homestay không chỉ đơn thuần là dịch vụ lưu trú, mà còn phải biết kết nối và tổ chức các sản phẩm, dịch vụ du lịch tạo thành một tour tham quan, trải nghiệm.

Vì vậy, Sy’s homestay luôn chú trọng tổ chức, sắp xếp chương trình, nhằm làm phong phú, đa dạng thêm dịch vụ cho khách du lịch như cưỡi trâu, tắm sông hoặc tham quan vườn thực vật Phong Nha-Kẻ Bàng...

Ngay từ đầu năm, Sy’s homestay đã chủ động liên kết với các đơn vị lữ hành để bảo đảm nguồn khách ổn định.

Từ sau khi dịch Covid-19 được khống chế, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ ở huyện Bố Trạch đã tu sửa, đầu tư mở rộng quy mô các homestay, farmstay (du lịch nông trại) để thu hút du khách, đặc biệt vào những tháng cao điểm mùa hè.

Có thể kể ra đây nhiều mô hình, cơ sở đạt chất lượng và được khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đánh giá cao như Phong Nha Lake house, Son Doong Bungalow, Phong Nha Farmstay, The Duck Stop…

Theo Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương, nhờ có lợi thế lớn về giao thông và cảnh quan hữu tình mà du lịch dịch vụ đang là hướng đi mới trong cơ cấu kinh tế-xã hội của địa phương. Ngoài Phong Nha Farmstay ở thôn Hòa Sơn đang là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và nước ngoài thì trên địa bàn có hàng chục hộ gia đình đầu tư mở khách sạn mini, homestay.

Đi giữa xã nông thôn mới Cự Nẫm hôm nay, có thể cảm nhận được vẻ đẹp ít nơi có được. Dòng sông Son mềm mại chảy qua nhiều ngôi làng, ở đó, giữa làng quê bình dị có nhiều ngôi nhà gỗ được người dân sửa sang, trang trí đẹp để đón khách đến thăm, lưu lại thưởng lãm phong cảnh đồng quê, dòng sông, bến nước và thưởng thức ẩm thực địa phương.

Từ cách làm của người dân Cự Nẫm, có thể nói, tại các vùng nông thôn, mô hình du lịch cộng đồng ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, toàn huyện có gần 60 cơ sở homestay và farmstay. Đặc biệt, với sự phát triển của homestay và farmstay, người dân địa phương được trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch với vai trò vừa là chủ nhân, vừa hưởng lợi trực tiếp. Không chỉ là hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ mà mô hình homestay còn góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng di sản.

Tuy nhiên, để cân đối giữa nhu cầu và tiềm năng, tránh phát triển tự phát, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của người dân, huyện Bố Trạch đã phối hợp Sở Du lịch Quảng Bình có định hướng cụ thể; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường; phục hồi các làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP để làm phong phú sản phẩm du lịch, từ đó thu hút khách du lịch ngày càng đông hơn.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đề án xây dựng Cự Nẫm thành làng văn hóa-du lịch đầu tiên của địa phương. Mục tiêu của đề án là xây dựng Cự Nẫm thành điển hình phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở Cự Nẫm.