Quảng Bình: Đầu kênh nước tràn gây ngập úng, cuối kênh cây trồng thiếu nước tưới

NDO - Thời gần đây, người dân một số nơi của thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) phản ánh, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của họ bị ảnh hưởng do bị ngập nước từ kênh chính của công trình thủy lợi Rào Nan. Trong khi đó, ở cuối tuyến kênh, nước vẫn không đủ cho cây trồng đang giữa mùa khô khát. Vậy nguyên nhân của sự việc do đâu?
0:00 / 0:00
0:00
Sân nhà người dân ở Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn bị ngập trong mùa hè do nước công trình thủy lợi tràn vào.
Sân nhà người dân ở Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn bị ngập trong mùa hè do nước công trình thủy lợi tràn vào.

Mùa hè, sân nhà vẫn lõm bõm nước

Từ thông tin của người dân, chúng tôi về thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, nơi có nhiều hộ dân ở gần tuyến kênh chính.

Giữa cái nắng tháng 8 bỏng rát, gần công trình thủy lợi Rào Nan, thời tiết ở Linh Cận Sơn có phần dịu hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không làm người cảm thấy dễ chịu mà trái lại họ đang khá phiền lòng khi mỗi lần nước được dẫn qua hệ thống kênh chính của công trình đầy ăm ắp lại chảy tràn làm ngập nhiều vị trí trên con đường bê-tông liên thôn và tràn vào vùng ruộng bên cạnh. Dòng nước trong vắt, mát lạnh chảy tràn vào sân, vườn nhiều nhà dân gây nên cảnh ngập lụt khá oái ăm.

Quảng Bình: Đầu kênh nước tràn gây ngập úng, cuối kênh cây trồng thiếu nước tưới ảnh 1
Nhà bà Nguyễn Thị Nhượng, ở thôn Linh Cận Sơn ngập nước dù giữa hè.

Bà Nguyễn Thị Nhượng, ở thôn Linh Cận Sơn cho biết, mỗi khi nước về là tràn qua mặt kênh, chảy vào nhà bà khiến toàn bộ sân, vườn đều ngập trong nước. Nước ngập như vậy hơn 10 ngày mới rút nhưng có khi vừa rút được mấy hôm thì lại ngập tiếp.

Do sân nhà thường xuyên bị ngập mà bà Nhượng bị bệnh đau chân nên con cháu phải kê hàng gạch từ ngoài đường vào nhà để dễ đi lại vừa tránh bị bệnh nước ăn chân. Nhưng có lần, nước ngập cả hàng gạch, chân đau nhưng bà vẫn phải bì bõm trong sân nhà mình nhiều ngày.

Theo bà Nhượng, trong xóm có gần 10 gia đình bị ảnh hưởng khiến cây trong vườn bị chết vì úng nước, gia đình không thể trồng các loại hoa màu và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Phía dưới Linh Cận Sơn, người dân thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn cũng dở khóc, dở cười khi nước từ kênh tràn xuống làm ngập ruộng trồng hoa màu của bà con.

Quảng Bình: Đầu kênh nước tràn gây ngập úng, cuối kênh cây trồng thiếu nước tưới ảnh 2

Nước từ kênh tràn xuống làm ngập ruộng trồng hoa màu của bà con thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng thôn Thanh Tân, trong thôn có hơn 5ha ruộng màu bị ảnh hưởng do nước ngập nên không gieo trồng được, hoặc có gieo trồng nhưng không phát triển làm bà con rất lo lắng. Chúng tôi rất mong cấp trên tu bổ lại tuyến kênh cho bảo đảm để không chảy nước xuống ruộng, tạo điều kiện cho bà con sản xuất.

Lãnh đạo các xã Quảng Sơn và Quảng Hòa cho biết, nguyên nhân ngập úng giữa mùa hè ở một số khu vực như trên là do hệ thống kênh dẫn nước đã xuống cấp, nước luôn đầy mà thành kênh lại thấp nên đã tràn vào khu vực nhà ở và ruộng hoa màu.

Hiện, chính quyền địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng đề nghị bố trí kinh phí để sữa chữa tuyến kênh nhằm bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Trong khi đầu kênh Rào Nan nước tràn gây ngập úng thì cuối kênh nước tưới đang thiếu trầm trọng. Ông Phạm Xuân Lam, phụ trách nông nghiệp xã Quảng Văn cho biết, địa phương có gần 100ha lúa 2 vụ, nhưng lúa vụ hè thu này luôn trong tình trạng thiếu nước.

Do địa bàn ở cuối nguồn và tuyến kênh dẫn bị hư hỏng nên nước từ Rào Nan về yếu và chậm. Có lúc người dân phải canh đến 20 ngày thì nước mới về đủ tưới cho diện tích lúa.

Cần sớm nâng cấp tuyến kênh chính công trình Rào Nan

Công trình thủy lợi Rào Nan, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn được đầu tư xây dựng với tổng vốn 350 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022.

Quảng Bình: Đầu kênh nước tràn gây ngập úng, cuối kênh cây trồng thiếu nước tưới ảnh 3

Công trình thủy lợi Rào Nan.

Được thiết kế với công nghệ hiện đại, công trình thủy lợi Rào Nan bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, mức nước tích tại công trình đã đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân và nước tưới cho hơn 1.800ha đất trồng lúa và nuôi thủy sản của thị xã Ba Đồn.

Có thể nói, từ khi công trình đi vào hoạt động đã đáp ứng lòng mong đợi và mang lại nhiều niềm vui cho người dân 9 xã vùng nam thị xã Ba Đồn.

Tuy nhiên, công trình thủy lợi Rào Nan được đầu tư xây dựng mới (đập ngăn và các hạng mục đầu mối) nhưng hệ thống kênh chính dẫn nước từ đầu nguồn về các địa phương đã sử dụng gần 25 năm nay không được nâng cấp.

Ngay cả khi công trình đập dâng trước đây chưa được đầu tư xây dựng cũng đã xảy ra tình trạng nước đầu kênh tràn trề, cuối kênh thiếu hụt. Còn hiện nay, với công trình mới, tuyến kênh chính càng không thể đáp ứng được trữ lượng cấp nước từ đầu nguồn.

Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình Hoàng Kim Đại cho biết, đơn vị đã báo cáo thực trạng này lên các cơ quan chức năng của tỉnh và để nghị sớm cấp kinh phí nâng cấp tuyến kênh chính này.

Tình trạng trên không chỉ gây lãng phí, thất thoát lượng lớn nước tưới mà còn gây khó khăn, phiền toái cho sinh hoạt, sản xuất của người dân một số khu vực. Nếu tỉnh Quảng Bình không sớm ưu tiên nguồn vốn nâng cấp tuyến kênh chính phục vụ nước tưới thì công trình thủy lợi Rào Nan sẽ không phát huy hết tác dụng, thậm chí còn gây lãng phí nguồn lực đầu tư cho công trình dân sinh nhiều ý nghĩa này.