Nhịp cầu nối những bờ vui

Từ bao đời nay, sinh sống giữa bốn bề sông nước nên người dân ở vùng cồn, bãi sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình luôn gặp khó khăn, cách trở về giao thông. Gần đây, tỉnh Quảng Bình và thị xã Ba Đồn đã đầu tư nhiều chiếc cầu qua các vùng cồn bãi, giúp kết nối liên vùng để phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Hà Sơn hoàn thành giúp người dân xã Quảng Sơn thuận lợi trong đi lại.
Cầu Hà Sơn hoàn thành giúp người dân xã Quảng Sơn thuận lợi trong đi lại.

Những ốc đảo giữa dòng sông Gianh

Hơn 150 năm chia cắt, dòng sông Gianh êm đềm từng mặc nhiên hiện hữu như một vết hằn lịch sử khi thành giới tuyến phân tranh Trịnh-Nguyễn. Bây giờ, dòng sông bi tráng thuở ấy giờ đây vẫn mải miết chảy về xuôi nhưng vẫn mang trong mình nhiều dấu tích địa hình, đất đai góp thành dòng chảy. Đó là các cồn bãi như những ốc đảo giữa sông. Nào là cồn Sẻ, cồn Nâm, cồn Quan, cồn Két, cồn Mộc, cồn Ngựa… Trên các cồn bãi ấy đều có dân cư sinh sống, được phù sa dòng sông Gianh bồi đắp tạo nên những làng xóm trú phù. Do địa hình chia cắt bởi nhiều nhánh sông nhỏ để hợp thành sông Gianh cho nên đến bây giờ, nhiều vùng dân cư ở sáu xã vùng cồn bãi sông Gianh của thị xã Ba Đồn, như thôn Hà Sơn, Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, Đông Thành, Minh Hà, Tân Định, cồn Nâm, xã Quảng Minh... vẫn phải “lụy” thuyền. Mùa hè còn đỡ nhưng về mùa mưa lũ, nước trên sông Gianh nhấn chìm làng mạc, nhà cửa. Người dân cồn bãi chạy lũ khổ trăm bề.

Chị Hoàng Thị Nga ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn cho biết, chỉ một năm trước thôi, bất cứ việc lớn, việc nhỏ, người dân ở đây đều phải xuống thuyền sang sông, vất vả nhất là lúc trong làng có ai đau ốm vào ban đêm, phải sang sông đi bệnh viện. Rồi chuyện học sinh đi học bằng thuyền hằng ngày, chúng tôi rất lo lắng nhưng không còn cách nào khác. Vì vậy, một chiếc cầu vững chãi bắc qua sông luôn là mơ ước của người dân Hà Sơn.

Nằm cách trung tâm thị xã Ba Đồn không xa nhưng đời sống của người dân các thôn vùng cồn, bãi xã Quảng Minh gặp rất nhiều khó khăn bởi giao thông cách trở. Từ xưa đến nay, để đến được vùng trung tâm, bà con phải xuống thuyền sang sông. Ông Hoàng Minh Sửu, ở xã Quảng Minh chia sẻ: “Ở vùng cồn bãi, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là các cháu học sinh đi học hết sức vất vả và nguy cơ tai nạn rình rập.

Người dân ở giữa vùng cồn sản xuất ra cái gì bán cũng rẻ do phải chịu thêm chi phí vận chuyển; ngược lại, mua hàng hóa, nhất là vật liệu làm nhà cửa luôn đắt đỏ do gánh thêm tiền công vận chuyển qua sông”. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Minh Hoàng Ngọc Thắng, khu vực cồn Nâm có bốn thôn là cồn Nâm, Minh Hà, Đông Thành và Tân Định, với hơn 560 hộ, gần 3.000 nhân khẩu, trong đó hơn 90% số dân là đồng bào công giáo. Địa hình bị bao bọc giữa bốn bề sông nước, không có tuyến giao thông kết nối, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, công tác di dời người dân và cứu hộ, cứu nạn ở các điểm thấp trũng rất vất vả, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, vùng ven sông này có tiềm năng lớn để phát triển nuôi thủy sản và trồng các loại cây đặc sản, nhất là cây tỏi tía, vì thế, nếu hệ thống giao thông được đầu tư liên hoàn, đồng bộ sẽ tạo điều kiện để khai thác thế mạnh này phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Niềm vui từ những nhịp cầu

Để nâng cao đời sống cho người dân các xã ven sông Gianh, từ năm 2021, được sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông vận tải tỉnh và thị xã Ba Đồn đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường, chiếc cầu kết nối Quốc lộ 12A, trung tâm thị xã đến các địa phương vùng phía nam.

Theo Phòng Quản lý đô thị Ba Đồn, dự án cầu Hà Sơn, xã Quảng Sơn do Sở Giao thông vận tải Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn gần 10 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 125m, chiều rộng 4m, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2022. Ông Hoàng Văn Sơn ở thôn Hà Sơn vui mừng cho biết, ngày chiếc cầu được khánh thành, bà con vui đến rơi nước mắt vì hạnh phúc. Từ đây, hành trình dài gian nan, trắc trở với cảnh thuyền bè qua sông đã kết thúc, bà con yên tâm sinh sống và nỗ lực phát triển sản xuất để nâng cao đời sống ngay trên quê hương mình.

Để tiếp tục lan tỏa niềm vui khi có chiếc cầu mới, thị xã Ba Đồn quyết định đầu tư xây dựng chiếc cầu vĩnh cửu sang cồn Nâm nhằm đáp ứng lòng mong đợi của hàng nghìn người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Quảng Minh Hoàng Ngọc Thắng cho biết, ngày cầu cồn Nâm được khởi công, người dân vùng cồn rất vui vì không còn cảnh phải đi đò qua sông. Khi khó khăn về giao thông được giải quyết, những hạn chế khác cũng sẽ dần được khắc phục để giúp vùng cồn bãi Quảng Minh có bước đột phá mới.

Trưởng phòng Quản lý đô thị Ba Đồn Trần Trung Lâm cho biết, cầu có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, được bắc qua sông Nan nối cồn Vượn với cồn Nâm thuộc xã Quảng Minh, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài hơn 255m, gồm 7 nhịp, bề rộng cầu 7,5m. Hiện nay, công trình cầu cơ bản hoàn thiện. Riêng dự án đường hai đầu cầu đang trong giai đoạn triển khai, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Khi đó, cầu cồn Nâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối liên vùng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của phía nam thị xã.

Cũng theo ông Trần Trung Lâm, tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn đang đầu tư xây dựng thêm hai chiếc cầu nối vùng cồn bãi tại thôn Minh Tiến, với tổng chiều dài 520m; tổng mức đầu tư của dự án là 55 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Đoàn Minh Thọ cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh Quảng Bình, thị xã đã dành một phần ngân sách để xây dựng các cầu qua vùng cồn bãi. Khi các cầu này hoàn thành sẽ giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, đặc biệt góp phần phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân vùng cồn bãi, phòng chống thiên tai cho chín xã phía nam thị xã. Mặt khác, việc xây dựng các cây cầu sang các cồn bãi góp phần xóa bỏ chia cắt về địa hình, giúp kết nối liên vùng để phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ với hạ tầng giao thông trong khu vực, từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thị xã Ba Đồn và các vùng lân cận.