Nhiều công trình thủy lợi ở Bắc Kạn “chờ” sửa chữa

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 2.145 công trình thủy lợi, trong đó có 34 hồ chứa. Hầu hết các hồ, đập thủy lợi, kênh, mương ở địa phương này có tuổi đời hơn 20 năm, có những hồ chứa xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh tường và nhà van của hồ Khuổi Cuộn (Chợ Mới) bị hư hại, sụt nặng, nguy cơ vỡ đe dọa an toàn vùng hạ du.
Cánh tường và nhà van của hồ Khuổi Cuộn (Chợ Mới) bị hư hại, sụt nặng, nguy cơ vỡ đe dọa an toàn vùng hạ du.

Ngày 21/3, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra công văn hỏa tốc, đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn tiến hành phá dỡ nhà van xả đáy và vận hành kéo cánh van để xả nước hồ Khuổi Cuộn (Chợ Mới) trong tháng 3. Đây là biện pháp tình thế của Bắc Kạn nhằm xử lý nguy cơ hồ thủy lợi này bị vỡ cánh tường, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Hư hỏng nghiêm trọng như hồ Khuổi Cuộn là điển hình của hệ thống các hồ, đập thủy lợi đã quá “già nua” ở tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn hiện có 16 hồ thủy lợi cần phải bố trí sửa chữa ngay. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên tỉnh chưa sửa chữa, khắc phục được hết. Ngoài ra, số lượng đập bị thấm là năm đập; có sáu đập biến dạng mái, sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu. Nhiều tràn, cống bị hư hỏng nặng như cống hồ Khuổi Quang, hồ Thôm Sâu, hồ Khuổi Thôm…

Hệ thống kênh dẫn nước là dạng công trình dễ bị hư hại nhất. Nguyên nhân do các kênh này không có cốt thép, chạy dọc theo triền đồi, núi, khe, lạch nên khi mưa lũ xảy ra dễ bị vùi lấp, đứt gãy. Ngoài ra, ý thức trong bảo vệ tài sản chung của nhiều hộ dân không cao. Vẫn luôn xảy ra tình trạng cày ruộng làm mất bờ đất, lộ chân kênh dẫn hoặc đục kênh để lấy nước.

Trong đợt kiểm tra mới nhất vào tháng 12/2022, Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa tỉnh Bắc Kạn cho biết, so với thời điểm tháng 5/2022, có ba hồ, gồm: Khuổi Khe, Nà Lẹng và Nà Kiến bị thấm qua thân đập và đáy đập. Nhiều cống lấy nước ở các hồ, đập do xây dựng từ rất lâu nên hư hỏng, rò rỉ, xuống cấp nhưng chưa được bố trí để sửa chữa. Qua kiểm tra sau mùa mưa bão năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn có 136 công trình thủy lợi bị hư hại do mưa lũ cũng đang cần được sửa chữa.

Quyền Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn Đới Văn Thiều cho biết, hầu hết các hồ, đập thủy lợi, kênh dẫn xây dựng đã quá lâu. Thời điểm xây dựng, do thiếu thốn vật liệu, khó khăn vận chuyển nên đa số các công trình không đổ bê-tông mà xây bằng đá hộc. Đá hộc tuy rất chắc chắn nhưng lại không kín hoàn toàn. Qua thời gian nước bào mòn dần, dẫn tới rò rỉ, thấm nước qua thân, đáy đập và kênh dẫn. Điểm cốt yếu là gần 20 năm nay chưa có cơ chế về bảo dưỡng, bảo trì, do vậy các hồ, đập, kênh này không được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Hư hỏng nhỏ, qua thời gian, trở thành hư hại lớn.

Những hư hại, xuống cấp của hệ thống hồ, đập thủy lợi ở Bắc Kạn luôn được rà soát, đánh giá hai lần trên một năm. Tuy nhiên, vấn đề là Bắc Kạn không có kinh phí để bố trí sửa chữa thường xuyên. Toàn bộ kinh phí đều chờ Trung ương cấp. Kinh phí hằng năm phải ưu tiên dành cho khắc phục hậu quả thiên tai là chính. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 2.145 công trình thủy lợi nhưng từ năm 2011 tới nay, tỉnh mới bố trí được 60 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 62 công trình.

Thời gian qua, từ nguồn vốn dự án WB8 (dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập…), Bắc Kạn đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp năm hồ, gồm: Mạy Đẩy, Khuổi Sung, Khuổi Dâng, Cốc Thông và Khuổi Dày với tổng kinh phí xây dựng là hơn 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn 11 hồ nữa ngày càng xuống cấp thì chưa biết lấy kinh phí ở đâu.

Thiếu kinh phí nên nhiều năm liền, nhiều hồ, đập ở Bắc Kạn không lập quy trình vận hành, kiểm định an toàn, lập phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, lập phương án bảo vệ đập, bản đồ ngập lụt hạ du đập, cắm mốc phạm vi bảo vệ, lắp đặt thiết bị quan trắc.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân, thực trạng trên cho thấy cần có đánh giá lại một cách tổng thể để có kế hoạch, nguồn lực cụ thể nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm an toàn và hiệu quả các công trình thủy lợi. Ngành đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm an toàn và hiệu quả các công trình thủy lợi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện có khoảng 258 công trình, gồm: 11 hồ chứa, 247 đập dâng, kênh, mương cần sửa chữa với kinh phí hơn 206 tỷ đồng. Để bảo đảm cung cấp nước, tỉnh cũng cần xây mới khoảng 12 hồ chứa, 211 đập dâng và 480km kênh, mương dẫn nước với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Con số này là rất lớn đối với một tỉnh thu ngân sách hằng năm chưa đến 1.000 tỷ đồng như Bắc Kạn. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đề xuất, kiến nghị tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh, lồng ghép các chương trình, dự án, xã hội hóa khai thác, quản lý công trình thủy lợi với mục tiêu huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân. Nguồn vốn của Nhà nước sẽ ưu tiên cho các công trình quy mô lớn và vừa, ở vùng khó khăn.