Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

NDO - Ngày 9/8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6075/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Giao thông vận tải thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc báo cáo nguyên nhân gây ngập lụt đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và đề xuất các giải pháp khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây bị ngập tại vị trí Km25+419, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây bị ngập tại vị trí Km25+419, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.

Theo đó, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Giao thông vận tải cử Tổ công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá đầy đủ, khách quan các nguyên nhân gây ngập lụt tại tuyến đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (từ thiết kế, tính toán cao độ đường, thi công, phương án thoát nước…) và đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 20/8/2023.

Trước đó, từ ngày 27 đến ngày 29/7/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 28/7. Đến khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7/2023, tại Km25+419 đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây thuộc địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bị ngập nước.

Phạm vi ngập khoảng 100m, điểm sâu nhất khoảng 0,7m làm ách tắc giao thông hai chiều trên đường cao tốc. Đến 9 giờ cùng ngày, khi nước rút hoàn toàn, lưu thông mới được khôi phục.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây ảnh 1

Phạm vi ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khoảng 100m, một xe tải nhẹ cố vượt qua đoạn ngập nhưng bị nước dâng cao làm trôi dạt vào lề.

Ngày 3/8, Ban Quản lý Dự án Thăng Long, đơn vị đại diện cho Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, qua kiểm tra hiện trường và báo cáo của các bên có liên quan, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đánh giá: nguyên nhân gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây phạm vi Km25+419 là do nước ở sông Phan dâng cao, tràn vào hạ lưu cống Km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.

Giải pháp của tư vấn thiết kế là trước mắt thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở…) phạm vi từ hạ lưu từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan Km24+384 qua vị trí cầu khoảng 150m chưa bảo đảm độ tin cậy, không dự báo được hiệu quả của phương án.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây ảnh 2

Cao tốc bị ngập, điểm sâu nhất khoảng 0,7m làm nhiều xe ô-tô bị kẹt lại ở hai chiều không thể đi qua.

Báo cáo cũng nêu, tư vấn thiết kế mới chỉ kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ, các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính, chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác để có đánh giá nguyên nhân thực sự.

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch cũng như để tìm ra nguyên nhân chính xác của việc ngập nước từ đó có giải pháp xử lý triệt để, Ban Quản lý Dự án Thăng Long sẽ tiếp tục thực hiện một số công việc:

Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban Quản lý Dự án Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý phù hợp, bảo đảm không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành

Cùng các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Yêu cầu tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp (thời gian yêu cầu tư vấn xong trước 20/8/2023).

Đối với giải pháp thanh thải lòng sông: Tư vấn thiết kế cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ phương án xử lý, tiếp thu ý kiến nhận xét đánh giá của các bên liên quan để Ban Quản lý Dự án Thăng Long có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để triển khai (xong trước 15/8/2023).

Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban Quản lý Dự án Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý phù hợp, bảo đảm không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành.