Quảng Bình: Bắc cầu, đưa niềm vui về vùng cồn bãi sông Gianh

NDO -

Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có 16 xã, phường nhưng có 6 xã là ở vùng cồn, bãi giữa sông Gianh. Bao đời nay, tình trạng cách sông trở thuyền đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, nhất là mỗi khi đến mùa mưa lũ. 

Một góc Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn.
Một góc Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn.

Vừa qua, tỉnh Quảng Bình và thị xã Ba Đồn đã ưu tiên nguồn vốn để bắc cầu, làm đường đến vùng cồn bãi nhằm giải quyết khó khăn về giao thông cho người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Bao đời lụy đò

Trước năm 2009, muốn đi từ trung tâm huyện Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn đến các xã vùng nam phải đi 2 lần thuyền, đó là thuyền qua sông Gianh tại xã Quảng Lộc với câu ca thán một thời xưa cũ “ăn cho no mà chờ đò Phù Trịch” và thuyền ngang sông Nan và sông Son.

Cuối tháng 8/2009, khi cầu Quảng Hải hoàn thành nối đôi bờ sông Gianh, sự cách sông trở thuyền của cả vùng nam thị xã Ba Đồn về cơ bản được giải quyết song do địa hình chia cắt bởi nhiều nhánh sông nên đến bây giờ, nhiều vùng dân cư vẫn phải lụy thuyền. Có thể kể đến như thôn Hà Sơn, Thọ Hạ xã Quảng Sơn; các thôn Đông Thành, Minh Hà, Tân Định và Cồn Nâm xã Quảng Minh.

Quảng Bình: Bắc cầu, đưa niềm vui về vùng cồn bãi sông Gianh -0

Thi công mố cầu Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn.

Nằm cách trung tâm thị xã Ba Đồn không xa nhưng đời sống của người dân các thôn vùng cồn, bãi xã Quảng Minh gặp rất nhiều khó khăn bởi giao thông cách trở. Từ bao đời nay, để đến được vùng trung tâm, bà con phải xuống thuyền sang sông Nan.

Ông Hoàng Minh Sửu, ở xã Quảng Minh, tâm sự: “Chúng tôi ở vùng cồn bãi, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là các cháu học sinh đi học hết sức vất vả và nguy cơ tai nạn rình rập. Người dân ở giữa vùng cồn sản xuất ra cái gì bán cũng rẻ do phải chịu thêm chi phí vận chuyển; ngược lại, mua hàng hóa, nhất là vật liệu làm nhà cửa luôn đắt đỏ do gánh thêm tiền công vận chuyển qua sông”.

Gần đây, bà con tự bắc chiếc cầu phao để sang sông thuận lợi hơn nhưng chỉ dùng cho đi bộ và xe máy. Mùa mưa lũ, cầu được tháo ra rồi buộc lại để phòng nước xiết cuốn trôi.

Quảng Bình: Bắc cầu, đưa niềm vui về vùng cồn bãi sông Gianh -0

Làm đường và cầu nối Cồn Nâm với trung tâm thị xã Ba Đồn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Minh Hoàng Ngọc Thắng, khu vực Cồn Nâm, xã Quảng Minh gồm 4 thôn: Cồn Nâm, Minh Hà, Đông Thành và Tân Định với hơn 560 hộ, gần 3.000 nhân khẩu, trong đó hơn 90% dân số là đồng bào công giáo. Địa hình bị bao bọc giữa bốn bề sông nước, không có tuyến giao thông kết nối nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Vùng ven sông này có tiềm năng lớn trong nuôi thủy sản và trồng các loại cây đặc sản, nhất là cây tỏi tía, vì thế, nếu hệ thống giao thông được đầu tư liên hoàn, đồng bộ sẽ tạo điều kiện để khai thác thế mạnh này phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Ở phía trên Cồn Nâm, thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn cũng trong tình cảnh cách sông tương tự. Ông Hoàng Văn Sơn, người dân trong thôn chia sẻ: “Lâu nay, bất cứ cái to, cái nhỏ gì đều phải chở bằng thuyền qua sông nên giá đắt hơn bên kia bờ. Đặc biệt, trong làng có ai đau ốm mà vào ban đêm phải tìm gọi thuyền chở sang bờ mới có phương tiện đưa đến bệnh viện, rồi học sinh đi học bằng thuyền cũng sợ không an toàn. Bà con ở đây mong muốn sớm có chiếc cầu vững chải bắc qua sông Nan để người dân đỡ phiền lụy và yên tâm sinh sống.

Đầu tư hệ thống giao thông để kết nối liên vùng

Để nâng cao đời sống cho người dân các xã ven sông Gianh, năm 2021, thị Ba Đồn đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường, cây cầu để kết nối Quốc lộ 12A đến vùng nam thị xã và giảm cảnh cách sông trở thuyền. Đặc biệt là thị xã đầu tư xây dựng chiếc cầu vĩnh cữu nối Cồn Nâm với trung tâm xã Quảng Minh nhằm đáp ứng lòng mong đợi của hàng nghìn người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi ra công trường xây dựng cầu Cồn Nâm đang trong giai đoạn thi công cao điểm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Ba Đồn Trần Trung Lâm cho biết, cầu có tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, là hạng mục quan trọng nhất của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá thị xã Ba Đồn. Cầu bắc qua sông Nan nối Cồn Vượn với Cồn Nâm thuộc xã Quảng Minh, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài hơn 255m, gồm 7 nhịp, bề rộng cầu 7,5m. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 6/2022, góp phần kết nối liên vùng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của phía nam thị xã.

Theo Chủ tịch xã Quảng Minh Hoàng Ngọc Thắng, ngày cầu Cồn Nâm được khởi công, người dân vùng cồn rất vui vì sẽ không còn cảnh cách sông trở đò. Khi khó khăn về giao thông được giải quyết, những hạn chế khác cũng sẽ dần được khắc phục để giúp vùng cồn bãi Quảng Minh có bước đột phá mới.

Cũng theo anh Trần Trung Lâm, tại xã Quảng Minh, sắp tới, thị xã Ba Đồn đầu tư xây dựng thêm chiếc cầu nối cồn bãi Minh Tiến với vùng dân cư thuận lợi giao thông để xóa bỏ chia cắt cộng đồng, cách trở giao thông cho toàn vùng.

Quảng Bình: Bắc cầu, đưa niềm vui về vùng cồn bãi sông Gianh -0

Làm cầu Hà Sơn, nối đôi bờ sông Nan ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị Ba Đồn cho biết, dự án cầu Hà Sơn, xã Quảng Sơn do Sở Giao thông vân tải Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn gần 10 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 125m, chiều rộng 4m, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2021. Những ngày này, đơn vị thi công công trình cầu Hà Sơn đang tập trung nhân lực, phương tiện thi công bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2022.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ba Đồn Đoàn Minh Thọ cho biết, những năm qua mặc dù tình hình khó khăn nhưng được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, thị xã đã dành một phần ngân sách để xây dựng các cầu qua vùng cồn bãi. Khi các cầu này hoàn thành sẽ giúp cho việc đi lại của bà con thuận lợi hơn, đặc biệt góp phần phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân vùng cồn bãi, phòng, chống thiên tai cho 9 xã vùng nam thị xã.

Quảng Bình: Bắc cầu, đưa niềm vui về vùng cồn bãi sông Gianh -0

Hằng ngày, người dân phải trả phí để đi qua cầu phao Cồn Nâm, xã Quảng Minh.

Chỉ ít tháng nữa, các cây cầu ở vùng cồn bãi sông Gianh của thị xã Ba Đồn hoàn thành. Và như vậy, mùa lũ năm nay, vùng cồn bãi này sẽ không còn bị chia cắt. 

Cùng với các cây cầu khác bắc qua sông Gianh, thời gian tới, vùng dân cư đông đúc nhất phía bắc tỉnh Quảng Bình sẽ được kết nối liên vùng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp hiện nay.