Quảng bá văn hóa Trà gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên trên tuyến đường sắt

Nằm ở vị trí cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn khảo sát trên chuyến tàu.
Đoàn khảo sát trên chuyến tàu.

Gần 65 năm trước, hệ thống đường sắt Hà Nội-Quán Triều, Thái Nguyên chính thức được đưa vào khai thác, vận hành. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 8/1960), trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên luôn là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa lưu thông của khu công nghiệp Gang Thép, khu công nghiệp Sông Công và vận chuyển khí tài quân sự chi viện cho miền nam.

Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước. Những năm gần đây, tỉnh phát triển năng động về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Thái Nguyên còn là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch thu hút du khách.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 59 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; gần 300 làng nghề, hơn 290 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.

Thái Nguyên có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng gồm 51/54 dân tộc anh em, đến nay còn lưu giữ được nhiều những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống. Tỉnh có 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai...

Là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với nhiều danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng-Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng, Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Với tổng diện tích 22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước (tổng thu từ cây chè năm 2023 ước tính lên đến gần 13 nghìn tỷ đồng).

Đặc biệt, cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, được vinh danh là “Đệ nhất danh trà". Nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa rất riêng của người Thái Nguyên. Cây chè trước kia là cây xoá đói, giảm nghèo, hiện nay đã trở thành cây làm giàu và làm du lịch của người dân xứ Trà.

Với tổng diện tích 22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước (tổng thu từ cây chè năm 2023 ước tính lên đến gần 13 nghìn tỷ đồng).

Quảng bá văn hóa Trà gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên trên tuyến đường sắt ảnh 1
Các đại biểu trong đoàn khảo sát thưởng thức trà Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch không thể tách rời sự phát triển của hệ thống giao thông. Trong đó có giao thông đường sắt - một phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và cảm giác hoài niệm, yên bình.

Với mong muốn khôi phục lại tuyến tàu khách Hà Nội-Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và trải nghiệm.

Ngày 31/10/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã ký kết Kế hoạch phối hợp về tuyên truyền, quảng bá văn hóa Trà và giới thiệu điểm đến du lịch Thái Nguyên trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên.

Khởi đầu cho hoạt động phối hợp, ngày 28/12/2024, 1 chuyến tàu từ ga Hà Nội đi Thái Nguyên được vận hành thí điểm, với hơn 140 đại biểu tham gia gồm đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Thái Nguyên; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên; các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh theo lịch trình gắn với các điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên để đánh giá, đề xuất, tham gia xây dựng hoàn thiện ý tưởng khai thác quảng bá văn hóa Trà gắn với phát triển du lịch.

Chuyến tàu khảo sát kết nối qua nhiều ga với 4 điểm dừng là Ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và Quán Triều. Đoàn khảo sát đã trải nghiệm nhiều dịch vụ trên tàu như: thưởng thức trà Thái Nguyên, nghe hát then đàn tính, trải nghiệm các sản phẩm OCOP và nông sản địa phương tại các ga đến…Sau đó, đoàn đã đến điểm du lịch cộng đồng vùng chè đặc sản Tân Cương, tọa đàm đóng góp ý kiến hoàn thiện ý tưởng khai thác tuyến tàu hỏa gắn với quảng bá văn hóa Trà và phát triển du lịch Thái Nguyên.

Quảng bá văn hóa Trà gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên trên tuyến đường sắt ảnh 2
Các đại biểu nghe hát then, đàn tính trên tàu.

Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thái Nguyên Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, đặc biệt là kết nối với Hà Nội. Tỉnh đã và đang khai thác tốt các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường sông và tuyến đường sắt truyền thống sẽ được quan tâm để khai thác trong thời gian tới.

Hoan nghênh ý tưởng và quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên mở lại và phát triển tuyến tàu hỏa Hà Nội-Thái Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Chính Nam nhấn mạnh khai thác tuyến tàu hỏa du lịch Hà Nội-Thái Nguyên là một ý tưởng mới, hứa hẹn đóng góp tích cực cho phát triển du lịch của Thái Nguyên cũng như góp phần hoàn thiện thêm dịch vụ Đường sắt Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong ngày 11 và 12/1/2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ kinh phí chạy tàu và phối hợp với các công ty lữ hành, doanh nghiệp, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh để đưa đón miễn phí khoảng 700 khách du lịch là học sinh THPT của thành phố Hà Nội lên trải nghiệm các điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên, từ đó tiếp tục đánh giá xây dựng sản phẩm và phối hợp mong muốn để khai thác hiệu quả dòng khách du lịch tới Thái Nguyên gắn với trải nghiệm trên tàu hoả.

Tỉnh Thái Nguyên mong muốn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục quan tâm đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch tổ chức chạy tàu an sinh xã hội năm 2025 trên tuyến đường sắt Hà Nội-Quán Triều (Thái Nguyên) để phục vụ tốt hơn nhu cầu vận tải hành khách, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Lan hoàn thiện phương án vận hành, tổ chức khai thác đoàn tàu Hà Nội-Thái Nguyên phục vụ du lịch; tăng cường phối hợp, xây dựng cơ chế liên kết cụ thể, ưu đãi, hấp dẫn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour du lịch Thái Nguyên bằng tàu hỏa; hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá văn hóa Trà, giới thiệu, bán sản phẩm chè và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên trên các nền tảng số và trong hệ thống bán hàng toàn quốc của Tổng Công ty.