Thái Nguyên phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP

Nhằm chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, thời gian vừa qua Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tích cực phối hợp với các sở, ngành, chức năng, các địa phương, chủ thể sản phẩm OCOP phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm nông nghiệp; quảng bá tiềm năng, lợi thế cảnh quan, sản phẩm địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, toạ đàm để tìm giải pháp, phương thức, cách làm để phát triển du lịch nông nghiệp thực chất, hiệu quả.
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, toạ đàm để tìm giải pháp, phương thức, cách làm để phát triển du lịch nông nghiệp thực chất, hiệu quả.

Sau nhiều nỗ lực về nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, xây dựng cơ sở vật chất, quảng bá và được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những thương hiệu chè, địa chỉ du lịch trải nghiệm nghề chè, cảnh quan, thưởng trà nổi tiếng nhất ở tỉnh Thái Nguyên.

Đến Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, du khách được tham quan những nương chè được thiết kế đẹp mắt, trải nghiệm thu hái, chế biến, đóng gói, thưởng thức các loại trà thuộc loại ngon nhất ở vùng đặc sản chè Tân Cương nổi tiếng. Giám đốc hợp tác xã này, bà Đào Thanh Hảo nhiệt tình chia sẻ về nghề chè, cách pha và cách thưởng thức trà nhiệt tình, làm du khách hài lòng.

Từ khi Hợp tác xã Chè Hảo Đạt trở thành điểm du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba đến năm sao đã thu hút nhiều du khách, góp phần tích cực quảng bá vùng đất, vùng chè đặc sản và đặc biệt là góp phần thúc đẩy doanh thu hằng năm lên đến hàng chục tỷ đồng, mỗi năm doanh thu tăng từ 15% đến 20%.

Phó Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết:Điểm du lịch Hợp tác xã Chè Hảo Đạt là một trong những điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn và các sở, ngành, địa phương triển khai thời gian qua. Qua đó, từng bước đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Thái Nguyên phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP ảnh 1

Thái Nguyên có nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản có giá trị cao, hấp dẫn du khách khi du lịch nông nghiệp.

Thái Nguyên được biết đến là vùng đất có về bề dày lịch sử và văn hóa, giàu truyền thống cách mạng; có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cộng với truyền thống cần cù, tâm huyết, sáng tạo, người dân đã làm ra những đặc sản vùng, miền, mẫu mã, đóng gói đẹp, có giá trị kinh tế cao; trên địa bàn có cảnh quan đẹp. Hội tụ những điều đó, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, sản phẩm OCOP, làng nghề. Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên, du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tính cạnh tranh chưa cao, chưa có sự gắn kết, bổ trợ, hỗ trợ nhau giữa phát triển du lịch và phát triển sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, làng nghề. Khắc phục vấn đề này, thời gian qua ngành du lịch và nông nghiệp của tỉnh có nhiều hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm để tìm giải pháp, phương thức, cách làm tổng thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân để gắn kết phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch thực chất, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên đã và đang phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Các cấp, ngành đang triển khai việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường không gian các điểm du lịch được lựa chọn vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước sạch, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải đồng bộ tại các điểm du lịch này, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền.

Bố trí, xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,... đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm, giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao, bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn để quảng bá, thu hút và hấp dẫn du khách.