“Quản” xe hợp đồng theo cách nào?

NDO - Tại Tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng, nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở?" do Báo Giao thông tổ chức chiều 18-12, các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải đã nêu một số giải pháp gỡ vướng mắc trong quản lý xe hợp đồng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Hoạt động trá hình, gây khó cho quản lý

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), hiện nay, một số xe kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hoạt động đúng quy định nhưng một số xe lại chạy theo hợp đồng trá hình. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc thu thuế của nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, đặc biệt khi xe trá hình vào đón từng khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

“Quản” xe hợp đồng theo cách nào? ảnh 1

Ông Lương Duyên Thống (Cục Đường bộ Việt Nam).

Tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình vẫn tồn tại dai dẳng. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ rồi lập thành danh sách cụ thể nhằm hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch qua mặt lực lượng chức năng. Hình thức này được người dân ưa chuộng và lựa chọn, bởi ở góc độ người sử dụng, dịch vụ này có những thuận lợi nhất định. Lực lượng chức năng cũng gặp khó khi xác định một số vi phạm của loại hình xe hợp đồng, du lịch. Tại nhiều địa phương, xuất hiện tình trạng phương tiện xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội quản lý cấp phù hiệu gần 40 nghìn xe hợp đồng, trong đó, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi khoảng 20 nghìn xe, còn lại các xe hơn 9 chỗ. Công tác quản lý xe hợp đồng của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là loại xe hợp đồng gom khách, lập danh sách hành khách giả mạo hợp đồng tour du lịch hòng qua mặt lực lượng chức năng, để chạy như tuyến cố định.

“Quản” xe hợp đồng theo cách nào? ảnh 3

Hiện nay, các quy định quản lý kinh doanh vận tải xe hợp đồng tương đối rõ nhưng lại thiếu công cụ quản lý, đơn cử như việc xác định tỷ lệ điểm đầu điểm cuối trùng lặp có vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng hay không. Với các đơn vị có nhiều phương tiện, họ dễ dàng đảo các xe để lách quy định khiến việc xác định khó khăn hơn. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất phải có phần mềm để chỉ ra các vi phạm của phương tiện, doanh nghiệp một cách rõ ràng, trên cơ sở đó, lực lượng chức năng sẽ có căn cứ để xử lý.

Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát; tích cực phối hợp đơn vị chức năng phát hiện, xử nghiêm các trường hợp xe chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát, bảo đảm hiệu quả xử lý cao nhất.

Trong điều kiện kinh doanh vận tải tuyến cố định còn hạn chế, nhiều người dân còn nhiều e ngại trong việc đi, đến các địa điểm vận chuyển. Với vai trò, chức năng của mình, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, phát triển rộng hơn các hình thức trung chuyển, phục vụ người dân tốt hơn. Ngược lại, người dân cũng cần nâng cao ý thức, không bắt xe dọc đường, góp phần xây dựng bộ mặt giao thông được đẹp hơn, văn minh hơn.

Quản lý cách nào?

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, số lượng xe hợp đồng có khoảng 240 nghìn xe, gấp 14 lần xe tuyến cố định, song không phải tất cả đều chạy trá hình tuyến cố định. Hiện nay, xe hợp đồng có thể tạm chia thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất là xe hợp đồng theo định kỳ chở công nhân, đưa đón chuyên gia đến các khu công nghiệp, đưa đón học sinh, số này chiếm phần lớn và có xu thế tăng lên, việc gia tăng xe hợp đồng là dễ hiểu. Nhóm thứ hai là xe hợp đồng theo chuyến, thường chở khách đám cưới hỏi, tổ chức sự kiện ở các trường học.

“Quản” xe hợp đồng theo cách nào? ảnh 5

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam.

“Nhóm thứ ba hay được gọi là xe hợp đồng trá hình, tôi cho rằng đây chính là loại xe hợp đồng chia sẻ, nhiều hành khách khác nhau cùng sử dụng chung một dịch vụ trên một chuyến xe. Và đây là hình thức xe hợp đồng cần phải bàn để quản lý, song số lượng xe này hiện nay chưa có thống kê”, ông Quyền nhận định.

Hiện nay, kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được đăng ký, các đơn vị này không được tự ý tăng chuyến theo cung cầu thị trường; việc tăng, giảm chuyến phải báo cáo bến xe, Sở Giao thông vận tải; xe phải vào bến, thậm chí tăng giá vé cũng phải kê khai và báo cáo.

Từ góc độ các đơn vị vận tải, nhiều ý kiến cho rằng, sự nở rộ của xe hợp đồng bên cạnh xe tuyến cố định xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn có dịch vụ tốt hơn. Không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định

Bàn về vấn đề siết hay mở xe kinh doanh vận tải hợp đồng, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, xe hợp đồng phát triển là nhu cầu thực tế của người dân. Họ muốn dịch vụ tốt, hoàn hảo hơn, được phục vụ tốt hơn dù phải trả chi phí cao hơn. Từ đó, các doanh nghiệp vận tải chỉ đáp ứng nhu cầu.

Cùng với đó, công nghệ hiện nay đang phát triển vượt bậc, nên mô hình kinh doanh vận tải cũng dần thay đổi, đây là bước phát triển mới trong ngành dịch vụ. Thay vì người dân phải tới bến xe, họ có thể dùng mạng xã hội hay các công cụ tìm kiếm xe thích hợp để đi lại. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến xe hợp đồng phát triển.

“Quản” xe hợp đồng theo cách nào? ảnh 7

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng.

“Đơn cử, trước đây vào dịp lễ Tết, việc đi lại, vận tải ở bến xe rất cực khổ và người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, người dân ra bến xe rất thoải mái và đi lại không còn khó khăn. Do đó, không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định. Việc nói xe hợp đồng là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn cũng chỉ là cảm tính bởi chưa có thống kê về điều này”, ông Khúc Hữu Thanh Hải khẳng định.

Theo các chuyên gia giao thông, siết hay mở là điều các cơ quan quản lý rất trăn trở, nhưng nếu siết cũng cần đặt vấn đề, khi ấy, việc đi lại của người dân có còn thuận lợi, hành khách lại quay về những ngày phải đi xe giá vé cao? Quy định pháp luật cần giúp xe tuyến cố định cạnh tranh bình đẳng với xe hợp đồng. Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết hay gỡ bỏ sao cho tính pháp lý được bảo đảm nhưng doanh nghiệp vẫn có điều kiện phát triển, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, giao thông ngày càng thông thoáng, an toàn, chứ không chỉ đơn thuần không quản được là cấm.