Ninh Bình: Xây dựng chiến lược bảo tồn Di sản Kinh đô Hoa Lư

NDO - Ngày 10/9, tỉnh Ninh Bình phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh tạo đàm Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ. (Ảnh: Yến Trinh)
Toàn cảnh tạo đàm Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ. (Ảnh: Yến Trinh)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, những di sản đã chịu sự mai một bởi tác động của thời gian, lịch sử. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần phải tập trung phục dựng, phục hồi, bảo tồn, di sản hóa các kiến trúc, cảnh quan riêng có, giá trị văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Ninh Bình: Xây dựng chiến lược bảo tồn Di sản Kinh đô Hoa Lư ảnh 1

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Yến Trinh)

Đề xuất chiến lược nghiên cứu, phục hồi và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ từ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, chiến lược này tập trung xoay quanh ba trụ cột thiết yếu hỗ trợ tầm nhìn chiến lược nhằm làm sống dậy lịch sử Kinh đô Hoa Lư, đó là: tái tạo đô thị cổ trong không gian đô thị hiện đại; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa du lịch sáng tạo; phát triển các sự kiện văn hóa chiến lược của tỉnh Ninh Bình trong không gian Di sản văn hóa thế giới Tràng An trong tương lai.

Cũng tại tọa đàm, các nhà khoa học, các nhà quản lý Trung ương, địa phương tập trung thảo luận làm rõ các các nội dung liên quan về: Giá trị lịch sử văn hóa của kinh đô Hoa Lư, trọng tâm là di sản khảo cổ học; kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới về bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản khảo cổ học kinh thành; các phương án bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh thành Hoa Lư; những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các sản phẩm cụ thể và yêu cầu về nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh thành Hoa Lư.

Ninh Bình: Xây dựng chiến lược bảo tồn Di sản Kinh đô Hoa Lư ảnh 3

Đền vua Đinh-Lê là hai di tích nổi bật nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố Đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Trường Huy)

Thông qua tọa đàm, nhằm tập hợp các nghiên cứu khoa học liên ngành về kinh thành Hoa Lư; đồng thời cung cấp thêm những tư liệu mới, những cơ sở khoa học quan trọng trong việc phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung. Tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng các kinh đô cổ, đề xuất các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện việc phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung, đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Từ đó, để tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư”; đồng thời, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.