Trong đó, nổi bật là những nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp tại tỉnh Cao Bằng vẫn băn khoăn, hình như các cấp, các ngành và địa phương đang ít quan tâm đến tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp tại địa phương.
Bắc Kạn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại một cuộc tọa đàm khoa học về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, phóng viên đã nghe đại diện một công ty đã bộc bạch khá thẳng thắn chia sẻ; doanh nghiệp được đón khá nhiều đoàn lãnh đạo địa phương đến tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất của doanh nghiệp.
Đó là điều đáng mừng, vì công ty được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm và kết quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh của công ty có thành tựu nhất định. Tuy nhiên, điều khiến người đứng đầu công ty băn khoăn là ít có đồng chí hỏi "công ty có gặp khó khăn, vướng mắc gì không? Có cần được hỗ trợ gì không?”.
Hội nghị triển khai giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 của tỉnh Cao Bằng. |
Tại các cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp; hội nghị về cải cách hành chính của địa phương, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ một số hạn chế, thậm chí yếu kém cần được quyết liệt khắc phục.
Trong đó, có thực trạng, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp nhận ý kiến kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp. Sau đó, trong quá trình nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ, giải quyết đã chậm phản hồi thông tin và không thông báo tiến độ giải quyết đơn thư, ý kiến, kiến nghị cho người dân và doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến tâm trạng thấp thỏm, mong ngóng, thậm chí “nóng ruột” của doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Hoàng Xuân Ánh chỉ đạo về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. |
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục ngay vấn đề này. Nhưng trong thực tiễn, chuyển biến vẫn còn chậm.
Thí dụ, những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đang “áp” đơn giá nhân công thi công công trình xây dựng khá thấp và không sát với tình hình thực tế địa phương.
Đơn giá nhân công nhóm I, đối với vùng III, đang “áp” 215 nghìn đồng; vùng IV đang “áp” 206 nghìn đồng. Trong khi đó, giá nhân công thực tế doanh nghiệp chi trả là khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày, kèm thêm chi phí ăn uống của lao động.
So sánh với đơn giá nhân công xây dựng đang áp dụng tại các tỉnh lân cận như: Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, đơn giá nhân công xây dựng tại tỉnh Cao Bằng đang thấp hơn từ 13 đến 23%.
Báo cáo cải cách hành chính năm 2023, nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh Cao Bằng. |
Trước thực tế nhà thầu phải bù đắp chi phí nhân công khá lớn khi thi công công trình, ngày 16/4, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng đã có công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng, đề nghị xem xét, điều chỉnh đơn giá nhân công. Nhưng đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Sở Xây dựng.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng chia sẻ, đơn giá nhân công xây dựng thấp khiến một số doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Thí dụ như doanh nghiệp thi công kênh mương thủy lợi sử dụng nhiều lao động sẽ bị lỗ.
Doanh nghiệp “vật vã” vì không làm, không có việc, thì cũng “lụn”, mà có việc làm, thì cũng lỗ vì giá nhân công được thanh toán thấp, phải bù lỗ.
Định mức nhân công và cách áp đơn giá định mức của một số hạng mục công việc trong xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư đang khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng “khốn khó và lao đao”.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng
Trong khi đó, ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng đang chậm được phản hồi.
Định mức nhân công và cách áp đơn giá định mức của một số hạng mục công việc trong xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư đang khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng “khốn khó và lao đao”-ông Hoàng Mạnh Ngọc cho biết thêm.
Xác định rõ tầm quan trọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong giải quyết việc làm đóng góp ngân sách, ủng hộ xã hội, từ thiện, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng luôn khẳng định quan điểm “doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp thịnh vượng, thì Cao Bằng phát triển”.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng báo cáo về nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp của ngành tài nguyên địa phương. |
Từ đó, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, quan tâm khắc phục “rào cản”, chuyển từ tâm lý “quản lý Nhà nước, sang tâm lý phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Nhưng trong thực tế, chuyển biến chậm, các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng nặng đến “sức khỏe” doanh nghiệp.
Trong báo cáo đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã nêu rõ, “để trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức”.
Theo báo cáo PCI năm 2023, chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục chiều hướng giảm. Năm 2023, tỷ lệ chi phí không chính thức của doanh nghiệp ở Cao Bằng là hơn 10%, vẫn ở mức khá cao so với bình quân chung.
Một số hạn chế trong môi trường kinh doanh đã và đang cản trở nỗ lực vươn lên và sự phát triển của tỉnh Cao Bằng. Theo một số ý kiến của các doanh nhân, hạn chế trong môi trường kinh doanh đã “cản trở”, là “rào cản” đưa nguồn vốn tại địa phương đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Thí dụ, một năm doanh số huy động vốn của các ngân hàng tại Cao Bằng được hơn 20 nghìn tỷ đồng; nhưng doanh số cho vay chỉ đạt khoảng một nửa nguồn vốn huy động; còn lại, các ngân hàng phải liên thông, cho vay trong hệ thống. Hạn chế trong môi trường kinh doanh đã phần nào ảnh hưởng đến “dòng vốn chảy” vào đầu tư-kinh doanh.
Trước một số khó khăn đang gặp phải, cộng đồng doanh nhân tỉnh Cao Bằng vẫn đang nỗ lực, bản lĩnh, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng họ cũng mong muốn được các cấp, các ngành và địa phương thường xuyên quan tâm “sức khỏe” của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa.