Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

NDO - Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc quy định, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với hải quan của quốc gia này. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng.
0:00 / 0:00
0:00
Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế
Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế

Nhiều khó khăn trong việc cấp mã vùng trồng

Phát biểu khai mạc “Hội nghị: Hướng dẫn xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật” tổ chức ngày 6/8, tại Lào Cai, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết: Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Lào Cai đạt con số 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chiếm vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, phân bón, hóa chất gắn liền với khu chế biến khoáng sản cũng là các mặt hàng xuất khẩu chính của địa phương.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, do địa phương có tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo cho Lào Cai có nhiều loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh. Từ đó, địa phương đã lựa chọn phát triển các ngành hành chủ lực gồm 5 cây (cây quế, chè, chuối, dứa, dược liệu), 1 con (con lợn) và 2 lĩnh vực để tập trung phát triển gồm kinh tế đồi rừng và các ngành hàng tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau hoa, cá nước lạnh, gia cầm.

Đến thời điểm này, các sản phẩm hàng hóa như quế và sản phẩm từ quế cơ bản xuất khẩu, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm gần như 100% tinh dầu quế của Lào Cai, ngoài ra là các sản phẩm như dược liệu, thảo quả, sa nhân, chè, chuối.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ảnh 1

Hội nghị: Hướng dẫn xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật” tổ chức ngày 8/6, tại Lào Cai.

Chia sẻ về một số khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết: Yêu cầu về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu (Trung Quốc) đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện. Do bệnh vàng lá Panama tại các vùng trồng chuối và dịch bệnh Covid-19 (sản phẩm tiêu thụ không ổn định, có thời điểm không tiêu thụ được) nên ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất và việc duy trì, mở rộng diện tích.

Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do chưa bố trí được kinh phí trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, áp dụng công nghệ số đối với các vùng nguyên liệu. Địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn đặc biệt vùng sâu nên việc tuyên truyền, kiểm tra gặp khó khăn. Một số địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Một số ngành, hàng chủ lực của tỉnh hiện nay có ưu thế xuất khẩu lớn nhưng chưa có tên trong Nghị định thư và Lệnh 248, Lệnh 249 (như: dứa, dược liệu...), riêng ngành hàng quế có diện tích sản xuất lớn song vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ về vùng trồng (chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp mã số vùng trồng cho cây quế) vì vậy mặc dù một số địa phương có đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây quế song chưa thể thực hiện được do chưa có hướng dẫn.

Việc quản lý mã số vùng trồng cho các tổ chức, các nhân doanh nghiệp, HTX mới chỉ dừng ở việc thực hiện theo hướng dẫn, việc nắm bắt và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế do cán bộ phụ trách chủ yếu kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cơ sở dữ liệu thông tin trong đơn vị chuyên môn còn ít, không được cập nhật thường xuyên...

Không nắm bắt được thông tin, chính sách thì doanh nghiệp sẽ phải đi sau

Tại Hội nghị, bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty Tư vấn khoa học và Công nghệ Sutech đã giới thiệu tổng quan về Lệnh 248 (quy định, quy trình thực hiện,..; Các khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng thực tế xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các nước Mỹ, Ấn Độ; hướng dẫn quy định cụ thể đối với một số mặt hàng tiêu biểu của Lào Cai như: sắn lát, gia vị (quế, hồi,...); chè; chuối, dứa, dược liệu…

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ảnh 2

Bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty Tư vấn khoa học và Công nghệ Sutech đã giới thiệu tổng quan về Lệnh 248.

Bà Phan Thị Mến cho hay, sau 30 tháng thực hiện Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, hiện Việt Nam đã đăng ký được hơn 3.000 mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và được phân thành các nhóm ngành hàng và đưa về các các cơ quan chuyên môn của Bộ quản lý. Cụ thể, với ngành hàng có nguồn gốc từ thực vật sẽ chịu trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật, những ngành hàng có nguồn gốc từ động vật sẽ là Cục Thú y, những ngành hàng nguồn gốc về thủy sản sẽ là Cục Chất lượng Chế biến và phát triển thị trường nông sản; những ngành hàng có nguồn gốc thực phẩm chức năng sẽ do Bộ Y tế; những ngành sản xuất chế biến sâu sẽ là Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ Công thương.

Riêng với Lào Cai, các doanh nghiệp tại Lào Cai đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản như chuối, sắn, thảo quả… Tuy nhiên, nhiều nông sản tiềm năng của tỉnh chưa tiếp cận được với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường trên thế giới còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như chính sách nước bạn thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được thông tin kịp thời của nước nhập khẩu…

“Với thị trường Trung Quốc, thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi, nếu các doanh nghiệp không nắm bắt được thông tin, chính sách thì doanh nghiệp sẽ phải đi sau”, bà Phan Thị Mến khuyến nghị.

Sản phẩm quản lý theo pháp lệnh 248, ở góc độ tư vấn Sutech cũng hoàn thành được nhiều hướng dẫn cho các đơn vị trong ngành hàng để có thể xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh việc hoạt động tư vấn chúng tôi cũng nhận được nhiều vướng mắc của doanh nghiệp.

“Với việc phối hợp thường xuyên của đơn vị tư vấn và các sở ban ngành, ở một số tỉnh nhất là các tỉnh có đường biên giới thuận lợi giáp danh Trung Quốc cũng có chung những nỗi băn khoăn về quy trình đăng ký sản phẩm, những thay đổi của thị trường Trung Quốc, những quy định và yêu cầu cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các nước khác trên thế giới”, bà Mến cho hay.

Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Do đó, về phía địa phương, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho hay, sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO 22000...) phục vụ xuất khẩu nông sản. Tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị nông sản phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của nông sản.