Số liệu Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong tháng 7/2024 có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so tháng trước đó; có 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% so tháng 6/2024 và tăng 33,8% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong bảy tháng qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Tính ra bình quân mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Rõ ràng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn nên mới có những con số đáng quan ngại đến vậy.
Thực tế, do thị trường chung suy giảm nên nhiều doanh nghiệp vẫn đang vật lộn trong khó khăn, phải "gồng mình" đối mặt những bất cập về: chính sách thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính,… Đây là những vấn đề liên tục được các hiệp hội ngành nghề đề cập và bày tỏ quan ngại tại các cuộc đối thoại chính sách, các diễn đàn kinh tế và ngay cả trong các văn bản góp ý xây dựng luật.
Mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi văn bản góp ý với Bộ Tài chính về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Cụ thể, tại điểm m, khoản 2, Điều 9 Dự thảo luật này bổ sung quy định chi phí không được trừ do "khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành"; "khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế".
Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp gửi ý kiến góp ý đối với dự thảo đều có chung thắc mắc không hiểu lý do đưa ra quy định này. Các doanh nghiệp lo ngại quy định này sẽ dẫn đến việc cơ quan thuế loại trừ nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp. Điều này là bất hợp lý, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp.
Chính phủ luôn nhất quán quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp và chắc chắn sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao tạo dựng, giữ vững lòng tin của doanh nghiệp để họ yên tâm và tiếp tục đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
Thế nên trong thời gian tới, tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp trong nước có khả quan hơn hay không, có phải cam chịu rút khỏi thị trường khi rơi vào thế khó hay không đang trông chờ sự tích cực hơn của các cơ quan chức năng trong khâu hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách.
Với vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Bởi thế, chỉ khi Nhà nước quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp "níu" họ ở lại thị trường, nền kinh tế mới có thể thật sự phục hồi và tăng tốc phát triển bền vững.