Cao Bằng phấn đấu giải ngân hơn 95% vốn đầu tư công năm 2023

NDO - Ngày 2/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu ở 10 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh về công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chủ trì hội nghị.

Báo cáo công tác giải ngân vốn đầu tư công tại hội nghị nêu rõ, năm 2022, địa phương giải ngân vốn đầu tư công được 2.934 tỷ đồng, bằng 65,4% kế hoạch.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công địa phương đạt thấp, theo Sở Xây dựng Cao Bằng, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư kéo dài, chậm, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng chậm là một rào cản giải ngân vốn đầu tư tại một số dự án trọng điểm.

Một số nhà thầu khi triển khai thi công, huy động nhân lực và máy móc thiết bị không bảo đảm đúng hồ sơ dự thầu; trình độ, năng lực của cán bộ kỹ thuật, công nhân còn hạn chế, thi công công trình không đạt tiến độ, chất lượng.

Việc giải quyết các vấn đề phát sinh, thay đổi, điều chỉnh tại hiện trường dự án còn chậm. Một số nhà thầu còn lúng túng khi thực hiện các thủ tục nghiệm thu theo quy định. Việc đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hồ sơ thanh, quyết toán khối lượng đã hoàn thành chưa chủ động, tích cực, còn nể nang.

Cao Bằng phấn đấu giải ngân hơn 95% vốn đầu tư công năm 2023 ảnh 1

Đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận.

Sở Kế hoạch-Đầu tư Cao Bằng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, các dự án khởi công mới năm 2022, đã được phân bổ kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, tuy nhiên rất nhiều dự án chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đến quý III/2022, đa số các dự án mới hoàn thiện các thủ tục và mới có thể được giao vốn để thực hiện các công việc tiếp theo.

Bên cạnh việc chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc không khảo sát kỹ tại thực địa, năng lực của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế nên hồ sơ dự án, chất lượng không cao, phải điều chỉnh nhiều lần mới có thể phê duyệt, hoặc phải điều chỉnh trong quá trình thi công, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Một số chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp và đôn đốc quyết toán dự án. Chủ đầu tư chưa kịp thời xử lý các nhà thầu không bảo đảm cam kết, chậm trễ trong thực hiện thủ tục đầu tư, thi công dự án. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Năm 2023, vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng được giao 4.625 tỷ đồng, địa phương đặt mục tiêu sẽ giải ngân hơn 95% số vốn được giao theo yêu cầu của Chính phủ. Phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao, bên cạnh việc đánh giá khó khăn, thách thức trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng tham mưu, kiến nghị, thực hiện các giải pháp, chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra hiện trường, đặc biệt với dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để kịp thời phối hợp, kiến nghị giải quyết vướng mắc và đôn đốc nhà thầu bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án; kịp thời xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ công trình.

Các chủ đầu tư quan tâm, làm tốt công tác chuẩn bị thủ tục dự án bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các địa phương phối hợp tốt với chủ đầu tư triển khai, thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Sở Xây dựng Cao Bằng kiến nghị, cần thực hiện nghiêm các quy định, quy chế quản lý xây dựng cơ bản. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính, năng lực nhân sự và kinh nghiệm thi công dự án. Các cấp tăng cường tính công khai, minh bạch trong đầu tư công, từ khâu lập, phân bổ kế hoạch đến các khâu tổ chức thực hiện.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp. Nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tuy nhiên, vẫn tồn tại nguyên nhân đã kéo dài, chưa được khắc phục.

Do đó, năm 2023 và những năm tiếp theo, các cấp, ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp, giải quyết nhanh thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Các chủ đầu tư cần làm thật tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn tư vấn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt, khởi công theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tiến độ, vướng mắc, quyết liệt chỉ đạo và phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân ngay từ đầu năm.

Các địa phương, đơn vị được thủ hưởng dự án cần phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng yêu cầu các chủ đầu tư, đến 31/1/2024, phải giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công; đối với dự án chuyển tiếp từ năm 2022, kéo dài thực hiện sang năm 2023, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Đồng chí cũng giao Sở Kế hoạch-Đầu tư Cao Bằng, căn cứ tiến độ thực hiện các dự án, đến quý II và III năm 2023, các dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cắt giảm số vốn chậm giải ngân để điều chuyển, bổ sung cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành, tiến độ giải ngân tốt.