Cà Mau được chọn làm điểm phát động hưởng ứng bởi đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.
Các đơn vị chức năng hỗ trợ nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng nông thôn Cà Mau bị thiếu nước bởi ảnh hưởng của khô hạn. |
Lễ phát động năm nay còn có ý nghĩa lớn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 36-KL/TW (ngày 23/6/2022) về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm thúc đẩy và góp phần đạt được mục tiêu về giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu phát động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024”. |
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nước sinh hoạt phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận và xác định rõ lại rằng, nước sạch không phải là vô hạn mà là hữu hạn và Việt Nam là quốc gia đang bị thiếu nước.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trao hỗ trợ thiết bị xử lý nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn tỉnh Cà Mau. |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và các địa phương trong cả nước hãy biến tinh thần của Tuần lễ Quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường thành các hành động thiết thực và hiệu quả.
Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò của nước sạch và vệ sinh đối với sức khỏe của con người, sự phát triển của trẻ em.
Nhiều hộ dân vùng nông thôn tỉnh Cà Mau được hỗ trợ dụng cụ xử lý nước, bồn trữ nước nhân Lễ phát động tuần lễ về nước sạch và vệ sinh môi trường. |
Tổ chức các chiến dịch truyền thông thông qua các hoạt động của Đoàn Thanh niên, trường học, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương để giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về nước sạch và giữ gìn vệ sinh gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”.
Tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm trong trường hợp thiên tai, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, xây dựng nhà vệ sinh công cộng và quy mô hộ gia đình một cách an toàn…
Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động, diễn ra từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5 hàng năm, đã tạo nên phong trào sâu rộng trong cả nước tham gia bằng các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch vì sức khỏe của người dân và vì một cuộc sống sạch đẹp, văn minh.
Trong những năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm cũng như sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân.
Thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và môi trường nông thôn các giai đoạn từ 2000-2015, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới…,, đến hết năm 2023 vừa qua, tỷ lệ người dân nông thôn cả nước sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92% (57% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam); 94% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu (80% có nhà tiêu hợp vệ sinh); 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh…
Dẫu vậy, nhiều nơi trong cả nước vẫn còn một bộ phận người dân bị thiếu nước sinh hoạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong mùa khô 2024 này, vẫn còn khoảng 50.000 hộ dân vùng nông thôn (khoảng 3,6% số hộ) bị ảnh hưởng bởi thiếu nước sinh hoạt.